Quảng Ninh: Đủ tiêu chuẩn công nhận phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2

Ngày 26/5, Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGDXMC) tỉnh Quảng Ninh và Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ký biên bản kiểm tra công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Từ ngày 24-26/5, Đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT đã làm việc trực tiếp với Ban chỉ đạo PCGDXMC tỉnh Quảng Ninh và Ban chỉ đạo PCGDXMC của 13 huyện, thị xã, thành phố và Ban chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn.

Ban chỉ đạo PCGDXMC tỉnh Quảng Ninh và Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT ký biên bản kiểm tra công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Ảnh: QMG

Ban chỉ đạo PCGDXMC tỉnh Quảng Ninh và Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT ký biên bản kiểm tra công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Ảnh: QMG

Qua kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế, Quảng Ninh có 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (100%). Số đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 là 176/177 đơn vị cấp xã (99,43%).

Tổng số dân từ 15 đến 35 tuổi là 444.408 người. Trong đó, số người biết chữ mức độ 1 là 443.740 người (99,85%) và mức độ 2 là 443.356 người (99,76 %). Tổng số dân từ 15 đến 60 tuổi là 932.819 người. Trong đó, số người biết chữ mức độ 1 là 929.842 người (99,68%) và mức độ 2 là 925.530 người (99,25%).

Về tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm xóa mù chữ bao gồm mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên đều đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Tại buổi làm việc vào sáng ngày 26/5, Đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT đã tổng kết, thông qua biên bản kiểm tra công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét và ban hành quyết định công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2022.

Đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT cũng đề nghị Ban chỉ đạo PCGDXMC tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường giải pháp để duy trì vững chắc hơn kết quả xóa mù chữ đã đạt được (về tiêu chuẩn và các điều kiện đảm bảo). Bên cạnh đó, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá thường xuyên công tác PCGDXMC và chú trọng việc hoàn thiện các hồ sơ từ cấp xã đến cấp tỉnh, bảo quản lưu giữ, cập nhật hồ sơ PCGDXMC một cách khoa học... Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của trung tâm học tập cộng đồng trong công tác xóa mù chữ và chú trọng bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên làm công tác xóa mù chữ…

Đông Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quang-ninh-du-tieu-chuan-cong-nhan-pho-cap-giao-duc-xoa-mu-chu-muc-do-2-5718909.html