Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, đảm bảo an toàn bảo mật cho trao đổi văn bản

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn và bảo mật cao giữa các cơ quan nhà nước, Quảng Ninh đã ứng dụng chữ ký số trong xây dựng Chính quyền điện tử, trao đổi văn bản điện tử.

Việc ứng dụng chữ ký số sẽ góp phần cải cách hành chính, đảm bảo an toàn bảo mật ở mức cao cho văn bản

Theo thông tin từ Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh, một trong những thành công giúp tỉnh tiết kiệm được thời gian, chi phí, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp giữa các cơ quan nhà nước trong thời gian quan đó là đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong xây dựng Chính quyền điện tử, trong trao đổi văn bản điện tử, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Ngay từ năm 2011, tỉnh đã chú trọng đến việc ứng dụng chữ ký số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan và đơn vị thông qua triển khai Dự án hệ thống chứng thực điện tử và chữ ký số.

Năm 2015 tỉnh ban hành Quyết định 979 về việc trao đổi văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước, trong đó quy định văn bản điện tử phải được ký số trước khi gửi và khi văn bản điện tử đã được ký số hợp lệ có giá trị pháp lý như văn bản giấy, được tiếp nhận và xử lý theo quy định, cơ quan phát hành không cần gửi bản giấy.

Quyết tâm triển khai tại các cấp, các ngành, đơn vị, Quảng Ninh đã trở thành một trong hai tỉnh/thành phố đầu tiên trong cả nước thực hiện liên thông 4 cấp trong trao đổi văn bản điện tử.

Trên 95% văn bản gửi, nhận của các cơ quan nhà nước sử dụng chữ ký số để trao đổi hoàn toàn trên hệ thống chính quyền của tỉnh.

Tính từ khi triển khai đến tháng 9/2018, Quảng Ninh đã trao đổi 4.468.481 văn bản có ký số qua mạng giữa 574 đơn vị.

Ngoài ra còn gần 200 đơn vị (bệnh viện, trường học, trung tâm của các Sở, ban, ngành, các hội…) đã triển khai ký số và gửi nhận văn bản điện tử thông qua các hệ thống thông tin khác của tỉnh (hòm thư công vụ, một cửa điện tử...).

Hàng năm, ước tỉnh tỉnh đã tiết kiệm gần 30 tỷ đồng cho việc in ấn, gửi nhận văn bản.

Tính đến nay, tỉnh đã được cấp 2.176 chữ ký số tổ chức, 5.144 chữ ký số cá nhân. Một số bệnh viện của tỉnh đã sử dụng chữ ký số trong hồ sơ bệnh án theo mô hình bệnh viện thông minh nhằm số hóa các hoạt động bệnh viện, giúp công tác quản lý hồ sơ khám chữa bệnh được liên thông, thuận lợi trong quá trình theo dõi bệnh án. Các trường học trong tỉnh cũng triển khai ứng dụng chữ ký số để phục vụ quản lý, điều hành.

Hiện nay, trên 90% đơn vị, doanh nghiệp trên toàn tỉnh sử dụng chữ ký số để kê khai thuế, bảo hiểm xã hội trên môi trường mạng, các giao dịch với kho bạc nhà nước cũng đang thực hiện triển khai thí điểm ứng dụng chữ ký số trong giao dịch cho 20 đơn vị.

Việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước là mục tiêu Quảng Ninh đang hướng đến, nhằm thúc đẩy quá trình sử dụng dịch vụ công mức độ 3,4 của các doanh nghiệp, phát huy hiệu quả Chính quyên điện tử, cải thiện được các chỉ số về môi trường kinh doanh, tạo ra môi trường làm việc thông thoáng, công khai, minh bạch, thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc sử dụng chữ ký số của tỉnh còn gặp một số khó khăn như hệ thống văn bản pháp lý triển khai, ứng dụng chữ ký số chưa được hoàn thiện, tỉnh cũng chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để hướng dẫn các đơn vị trong việc quản lý văn bản, hồ sơ điện từ.

Cùng đó, còn thiếu đồng bộ giữa hệ thống quản lý chứng thư số của với quy định cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, hiện nay hệ thống cấp phát chứng thư số của Ban cơ yếu chính phủ đã được nâng cấp, hoàn thiện tuy nhiên cần bổ sung thêm một số chức năng như gia hạn, thay đổi thông tin, cấp lại mật khẩu...

Cũng theo Sở TT&TT Quảng Ninh, việc ứng dụng chữ ký số cá nhân trong tỉnh chưa được triệt để, một số cán bộ do tâm lý ngại làm quen với những ứng dụng mới, chưa nhận thức lợi ích của chữ ký số nên ít hoặc chưa đưa vào khai thác, sử dụng…

Quảng Ninh cũng đề xuất các Bộ cần hoàn thiện về cơ sở pháp lý để làm căn cứ cho các đơn vị, địa phương hướng dẫn triển khai. Đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý, cấp phát chứng thư số trong thời gian tới để tạo thuận lợi trong việc quản lý, thu hổi, cấp phát tại địa phương.

P.V

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/bao-mat/quang-ninh-day-manh-ung-dung-chu-ky-so-dam-bao-an-toan-bao-mat-cho-trao-doi-van-ban-173762.ict