Quảng Ninh: Đẩy mạnh dạy bơi cho trẻ em để phòng chống tai nạn thương tích

Theo số liệu thống kê, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em. Để phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, tỉnh Quảng ninh đồng loạt triển khai nhiều biện pháp, trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc dạy bơi cho trẻ em.

Có thể nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến đuối nước trẻ em là bởi Quảng Ninh là tỉnh có địa hình phức tạp, bờ biển dài, nhiều sông, hồ, suối, nhiều công trình xây dựng thiếu biển báo…. Trong khi đó, nhiều trẻ em chưa biết bơi và thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Quảng Ninh: Đẩy mạnh dạy bơi cho trẻ em.

Để phòng, chống đuối nước trẻ em, Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội. Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến phòng, chống đuối nước trẻ em. Tỉnh tổ chức hội thảo bàn giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em với sự tham gia của Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH 14 huyện, thị xã, thành phố.

Từ năm 2016 đến nay, hàng năm tỉnh hỗ trợ hỗ trợ kinh phí cho 14 huyện, thị xã, thành phố để tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sông nước có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước. Đặc biệt, các địa phương đã tự cân đối kinh phí và vận động xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các bể bơi phục vụ cho người dân trong đó có trẻ em. Qua đó, toàn tỉnh đã tổ chức 275 lớp dạy bơi cho 4.125 trẻ em. Bằng nguồn xã hội hóa các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 1.758 lớp bơi cho trên 35.000 trẻ em, đầu tư các trang thiết bị hỗ trợ phòng, chống tai nạn, đuối nước cho trẻ em. Theo số liệu thống kê, TP. Hạ Long tổ chức 584 lớp cho khoảng 11.680 trẻ em, TX. Đông Triều 580 lớp cho khoảng 11.600 trẻ em, TP. Cẩm Phả 78 lớp khoảng 1.560, Uông Bí 75 lớp cho khoảng 1.500 trẻ em,...

Đề có được kết quả trên, các địa phương đã chủ động, sáng tạo nhiều cách làm hiệu quả. Thị xã Đông Triều đã hỗ trợ kinh phí và kêu gọi nguồn vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ 22 bể bơi mini tại 22 trường học trên địa bàn các xã, thị trấn với kinh phí trên 100 triệu đồng/bể, triển khai Chương trình "Bể bơi cho em".

Thị xã Quảng Yên từ nguồn ngân sách địa phương đầu tư lắp đặt 17 bể bơi thông minh, xây dựng 31 hệ thống biển báo nước sâu nguy hiểm và hàng rào chắn tại các khu vực ao hồ, kênh mương. Huyện Hoành Bồ (cũ) đã lắp đặt 12 bể bơi thông minh cho 12 xã, thị trấn với tổng trị giá 850 triệu đồng, cắm 97 biển cảnh báo tại những nơi có suối, kênh, mương mất an toàn để phòng, chống đuối nước cho trẻ. Huyện Vân Đồn đầu tư 2 bể bơi trị giá 900 triệu đồng. Huyện Hải Hà: Cắm 36 biển cảnh báo phòng chống đuối nước. Huyện Ba Chẽ bằng ngân sách địa phương xây dựng và lắp đặt 6 bể bơi dạy bơi cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, tăng cường phối hợp liên ngành để phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Sở VH&TT rà soát, kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu về mức độ an toàn của các bể bơi. Chỉ đạo phòng Văn hóa thông tin cắm biển dành cho khu vực bơi an toàn, cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm đối với trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tổ chức 15 lớp huấn luyện cho 1.328 giáo viên dạy bơi cho trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố và 120 cán bộ về kỹ thuật dạy bơi. Đồng thời, tổ chức giải bơi lội vượt sông truyền thống lần thứ 25 cho 194 vận động viên, trong đó 80 vận động viên là trẻ em. Phối hợp với Tổng cục thể dục thể thao, Sở GD&ĐT và một số đơn vị khác mở 23 lớp đào tạo Hướng dẫn viên bơi và bơi cứu đuối cho 1195 học viên là cán bộ thể thao cơ sở, giáo viên các trường phổ thông trong toàn tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước. Để phòng chống đuối nước, Sở GTVT phát trên 500 phao áo, phao tròn cho các chủ phương tiện vận tải hành khách đường thủy nội địa đối với các phương tiện vận chuyển khách từ bờ ra xã đảo tại các bến nội địa. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm truyền thông xây dựng và phát sóng các clip tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho trẻ em phát trong dịp hè vào các khung giờ cao điểm.

Với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và của chính người dân, thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016- 2020 đã giảm 31,5% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với 2015. 100% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS biết các quy định về an toàn giao thông. 100% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.

X.MAI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quang-ninh-day-manh-day-boi-cho-tre-em-de-phong-chong-tai-nan-thuong-tich-20200830214605633.htm