Quảng Ninh đã giải bài toán thiếu lao động ở KCN thế nào?

Với sự phát triển mạnh mẽ của các KCN trên địa bàn tỉnh dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động cũng ngày một tăng, vì vậy việc giải quyết bài toán về thiếu hụt lao động đã và đang được tỉnh Quảng Ninh quyết tâm thực hiện thông qua việc thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực.

Cần 14.300 lao động vào năm 2020

Theo quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 11 KCN, hiện có 7 KCN được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thống kê cho thấy, năm 2016 số lượng lao động thuộc các doanh nghiệp trong KCN của tỉnh là 17.654 người nhưng đến tháng 6/2018, con số này đã tăng lên 23.397 người và dự kiến sẽ tiếp tục tăng bởi nhiều doanh nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động.

KCN Hải Hà là một trong những KCN của tỉnh có sự phát triển nhanh và nhu cầu tuyển dụng lao động diễn ra sôi động. (Nguồn: Quangninh.gov)

Theo báo cáo của các doanh nghiệp đang triển khai dự án trong 7 KCN có nhu cầu lớn về lao động, từ năm 2018-2020, nhu cầu về lao động tăng thêm 23.800 người, bằng 18,5% tổng nhu cầu về lao động mà quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 đề ra (128.800 người).

Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các KCN đang hoạt động có tốc độ tăng trưởng về lao động tương đối đồng đều, trong đó riêng KCN Cảng biển Hải Hà có tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu về lao động chiếm tỷ trọng lớn hơn cả. Chỉ trong vòng gần 2 năm, nếu như năm 2016 cả KCN chỉ có 4 doanh nghiệp với 2.849 lao động thì đến 30/6/2018 đã có 6 doanh nghiệp với 7.404 lao động.

Như vậy, số lao động đã tăng 2,6 lần, trong khi các KCN trong toàn tỉnh chỉ tăng 1,3 lần. Mặt khác theo kết quả khảo sát 5 doanh nghiệp trong KCN này, dự kiến đến năm 2020 số lao động cần tuyển dụng là trên 14.300 người, tăng 1,9 lần so với tổng số lao động hiện nay.

Nhu cầu tuyển dụng lao động trong các KCN hiện nay vẫn đang diễn ra sôi động, tuy nhiên việc thu hút lao động gặp không ít khó khăn. Một số doanh nghiệp dù đã đăng tuyển từ khá lâu, tham gia rất nhiều hoạt động hỗ trợ tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhưng số lao động tuyển được thấp so với tổng nhu cầu. Tìm kiếm lao động, khắc phục vấn đề về thiếu hụt nhân lực trở thành một trong những nỗi lo lớn nhất, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.

Doanh nghiệp buộc phải tăng ca, tăng giờ làm thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, an toàn trong sản xuất. Thậm chí có doanh nghiệp phải trực tiếp đi các tỉnh lân cận tuyển lao động, thuê lao động thời vụ. Số lao động đã được tuyển dụng vào làm cũng thường xuyên thay đổi chỗ làm, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ doanh nghiệp, như chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc… hay người lao động làm việc xa gia đình, gò bó thời gian, chậm thích nghi với môi trường, thiếu tác phong, chăm sóc con nhỏ… thì vấn đề về địa thế, đặc điểm KT-XH cũng làm ảnh hưởng đến việc thu hút lao động.

Điển hình là KCN cảng biển Hải Hà, nằm trong khu vực xa đô thị trung tâm của tỉnh, địa bàn dân cư thưa thớt, chưa có tuyến xe buýt, chưa có các thiết chế văn hóa xã hội, thường xuyên biến động lao động, khó thu hút, giữ chân lao động gắn bó với công việc. Trong đó, áp lực lớn hơn cả là vấn đề về nhà ở, đi lại, gửi trẻ nhỏ của người lao động trong KCN.

Cách làm thiết thực của Quảng Ninh

Để giải bài toán này, trong thời gian vừa qua, Quảng Ninh đã chỉ đạo sát sao các ngành, địa phương thực hiện việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, như tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN; đẩy mạnh hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động; tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong tuyển dụng lao động cũng như phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ.

Các địa phương có KCN cũng quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội và các thiết chế văn hóa, trường học... Các doanh nghiệp tại các KCN cũng đã triển khai các giải pháp nhằm giữ chân người lao động làm việc ổn định, lâu dài… Qua đó đã phần nào khắc phục được sự thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp; đồng thời, giúp người lao động có việc làm phù hợp, thu nhập hợp lý, có cơ hội phát triển nghề nghiệp, đảm bảm an ninh, an toàn trong khu vực.

Khu nhà ở cho công nhân của Tổng Công ty Đông Bắc tại khu 7, phường Quang Hanh, Cẩm Phả. (Nguồn: BQN)

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh cũng đang tập trung hoàn thiện sớm “Đề án thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và các dự án lớn trên địa bàn tỉnh” để giải quyết các vấn đề lao động đang trở nên cấp thiết với sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp tại các KCN hiện nay.

Đặc biệt với KCN Hải Hà - một trong KCN của tỉnh có sự phát triển nhanh và nhu cầu tuyển dụng lao động diễn ra sôi động nhưng việc thu hút lao động đang gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp và môi trường đầu tư của tỉnh, do đó UBND tỉnh đang hoàn thiện dự thảo cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút lao động vào làm việc tại KCN cảng biển Hải Hà - để trình tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2018 của HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, dự kiến tập trung hỗ trợ cho chủ đầu tư thực hiện đầu tư nhà ở cho công nhân và khu phụ trợ đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; hỗ trợ người lao động về vay vốn để mua, thuê nhà ở.

Dự thảo Nghị quyết được thông qua sẽ góp phần thu hút và phát triển nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng lao động cả về số lượng và chất lượng theo nhu cầu của các doanh nghiệp trong KCN cảng biển Hải Hà; giúp người lao động có việc làm phù hợp, thu nhập hợp lý và có môi trường sống, làm việc phù hợp.

Thu Chung

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/quang-ninh-da-giai-bai-toan-thieu-lao-dong-o-kcn-the-nao-82673.html