Quảng Ninh: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành công

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 5/2/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế 'nâu sang xanh' với tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 41,2% lên 42,9%.

Kết quả khả quan từ chủ trương đúng

Với định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế “từ nâu sang xanh” mà trọng tâm là giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng; tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU. Đồng thời, tổ chức quán triệt, thực hiện nhất quán đến tất cả các địa phương trên địa bàn nhiều giải pháp hiệu quả, từ đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh tế… đến đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư xã hội hóa, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế…

Quảng Ninh - điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

Thực hiện chủ trương, đến nay, so với năm 2015, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng đã giảm từ 51,8% xuống 51,2%; khu vực nông - lâm - thủy sản giảm từ 7% xuống 5,9%; tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ từ 41,2% lên 42,9%. Đặc biệt, số thu ngân sách từ các ngành dịch vụ ngày càng tăng trong tổng thu ngân sách nội địa. Bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, có được kết quả này là nhờ các giải pháp cụ thể, phù hợp, lựa chọn các ngành dịch vụ có lợi thế để tập trung đầu tư, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ lợi thế khác, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Chỉ trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, lĩnh vực dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại của tỉnh Quảng Ninh đã có những thay đổi rất tích cực. Ước cả năm 2018, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 12 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 22.800 tỷ đồng. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 120 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,4 tỷ USD; 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có hoạt động đầu tư. Các dự án FDI tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại ngày càng nhiều và quy mô vốn đầu tư cao...

Những giải pháp trọng tâm

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, một số ngành dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh... Ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh - phân tích, một số chỉ tiêu hiện chưa đạt do cơ sở hạ tầng phát triển dịch vụ có tiềm năng thế mạnh. Bên cạnh đó, nội dung và hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch, đầu tư chưa đổi mới; liên kết liên ngành, liên vùng du lịch chưa tạo ra nhiều chuỗi giá trị bền vững...

Từ những nhìn nhận hạn chế, khó khăn đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, Quảng Ninh xác định tiếp tục thực hiện chính sách tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP) để phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông, du lịch, thương mại, thông tin truyền thông, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế..., tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Tỉnh cũng tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng đối với các nhà đầu tư. Khuyến khích doanh nghiệp, tập đoàn phân phối lớn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường khả năng mở rộng thị trường ra thế giới cho các hàng hóa và dịch vụ có lợi thế của tỉnh. Đồng thời, đổi mới về nội dung, hình thức, quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh, xúc tiến thương mại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đến nay, 6/12 chỉ tiêu trong Nghị quyết số 02-NQ/TU đã đạt và vượt, gồm: Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân; tổng số khách du lịch; tổng doanh thu du lịch; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tăng bình quân; kim ngạnh xuất khẩu tăng bình quân; tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia.

Viết Duân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-chuyen-doi-co-cau-kinh-te-thanh-cong-112407.html