Quảng Ninh: Cầu Bạch Đằng đi vào thơ ca

Cầu Bạch Đằng - cây cầu vừa khánh thành đã đi vào huyền thoại với nhiều giá trị văn hóa. Mới đây, nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm - hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhà biên nhạc nổi tiếng ở Quảng Ninh vừa sáng tác và công bố một nhạc phẩm về đề tài xây dựng cây cầu này.

Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Bạch Đằng nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội.

Cầu Bạch Đằng nối tỉnh Quảng Ninh với TP Hải Phòng, qua sông Bạch Đằng, dòng sông chứng tích lịch sử ba cuộc thủy chiến kinh điển chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Cầu dài gần 3km, bản rộng 25m, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, cao 48,4m, chịu được động đất cấp 8. Cầu có ba trụ tháp hình chữ H biểu trưng cho chữ cái đầu Hạ Long, Hải Phòng và Hà Nội; trụ tháp giữa cao 99,74m; trụ tháp hai bên cao 94,5m với bốn nhịp cầu dây văng; bốn làn xe chạy tốc độ 100 km/giờ, giá trị đầu tư 7.662 tỷ đồng.

Cầu Bãi Cháy bắc qua sông Cửa Lục trên Quốc lộ 18, xây dựng đưa vào sử dụng năm 2006, lên đèn như một công trình nghệ thuật lớn.

Cầu Bạch Đằng đưa vào sử dụng, kết hợp với tuyến đường cao tốc Hạ Long- Hải Phòng, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm đô thị hai địa phương này từ 70 km xuống còn 25 km; và quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội trước đây là 180km, nay còn 130km, thời gian xe cộ qua lại giảm quá nửa so với trước.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã gần 100 tuổi phấn khởi ngắm cây cầu mà thời cụ công tác có mơ cũng không được.

Đây là một trong những cây cầu quy mô xây dựng lớn nhất Việt Nam, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam với chiều dài 3,5km và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới, cầu do người Việt Nam lần đầu tiên tự thiết kế thi công.

Nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm, sinh năm 1949, CCB Sư đoàn 325, nguyên là Giám đốc Cty than Hòn Gai.

Đây là cây cầu với những thiết kế kỹ thuật còn được ít người biết đến, cụ thể như: Cầu Bạch Đằng lần đầu tiên công nghệ xe đúc dầm chạy dưới, chiều dài đốt đúc 9,6m, tải trọng mỗi đốt 465 tấn. Kiến trúc dây văng phức tạp với 4 nhịp dây văng liên tục, nhưng lại hạn chế chiều cao tháp nên góc nghiêng dây văng rất nhỏ, kỹ thuật thi công khó. Cáp dây văng hệ SSI2000 (hệ song song SI2000) tiên tiến nhất hiện nay. Cầu sử dụng khối lượng dây cáp trên 800 tấn, với trên 144 bó cáp gồm từ 31 đến 85 sợi cáp thép.

Ông Hà Văn Hiền - nguyên Bí thư Tỉnh ủy lớp anh trước xây cầu Bãi Cháy, nay lớp em sau xây cầu Bạch Đằng.

Có thể nói, cầu Bạch Đằng là sự hội tụ công nghệ, khoa học kỹ thuật xây dựng cầu đường tiên tiến và sớm kết tinh các giá trị văn hóa. Với cảm xúc dạt dào trước sự ra đời của cây cầu, nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm đã là người đầu tiên thổi hồn thơ ca cho công trình thế kỷ này.

Nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm sinh ra và lớn lên ở vùng than Quảng Ninh. Ông có bản trích ngang đời và âm nhạc khá thú vị: Năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, khi ấy chiến trường Miền Nam ác liệt lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 325, chiến đấu ở mặt trận Bình - Trị - Thiên. Giữa túi bom đạn 81 ngày đêm giữ thành cổ Quảng Trị, anh lính trẻ Lê Nguyên Thêm ra mắt những tác phẩm âm nhạc đầu tay, đã đạt được giải cao trong các mùa hội diễn văn nghệ toàn quân như: Ca khúc “Cây dương khô”, đạt giải A; bản hòa tấu “Tiếng hò Cửa Việt” và “Xe pháo hành quân” đạt giải B. Năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, anh lính Lê Nguyên Thêm xuất ngũ trở về vùng than, làm thợ, làm thầy tới chức Giám đốc một mỏ lớn của TKV. Làm than nhưng Lê Nguyên Thêm vẫn có thú vui sáng tác âm nhạc như hồi cầm súng. Tác phẩm “Tuổi trẻ ra khơi” đạt giải Ba chương trình văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam và nhiều tác phẩm đạt giải cao trong Hội diễn văn nghệ quần chúng người lao động toàn quốc, ngành than Việt Nam và giải thưởng Văn nghệ Hạ long như các tác phẩm: “Khi anh bay qua vùng Than”, “Nỗi nhớ dòng sông”, “Khúc ngẫu hứng người thợ lò”, “Cây đàn Hạ Long”...

Bài “Cây đàn Hạ Long” sáng tác nhằm ca ngợi cầu Bãi Cháy bắc qua sông Cửa Lục, do nước bạn Nhật Bản giúp ta xây dựng, đưa vào sử dụng năm 2006. Cầu thiết kế hiện đại, mỹ thuật, một hàng dây văng nom xa như một cây đàn khổng lồ. Ca khúc “Cây đàn Hạ Long” đạt được giải Văn nghệ Hạ Long, một giải thưởng cao quý của địa phương 5 năm xét thưởng một lần cho các tác phẩm Văn học nghệ thuật tiêu biểu. Bài hát này biểu diễn được đông đảo người nghe hoan nghênh, xác định đây là tác phẩm âm nhạc có tính thời sự, có giá trị nghệ thuật sáng tác về chủ đề xây dựng.

Bài hát “Cầu Bạch Đằng”.

Nay nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm lại kịp thời ra mắt tác phẩm, một ca khúc đề tài xây dựng công trình cầu Bạch Đằng. Bài hát tiết tấu sôi nổi, ý thơ cảm xúc, ca ngợi một công trình xây dựng vĩ đại, tầm vóc thế kỷ ở vùng Đông Bắc.

Vũ Phong Cầm

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/quang-ninh-cau-bach-dang-di-vao-tho-ca.html