Quảng Ninh: Bài toán nào cho đầu ra của 'vàng trắng' ?

Sứa biển, được coi là vàng trắng, đem lại thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng/vụ cho người dân Cô Tô.

Sứa biển hiện đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Các chủ xưởng sứa tồn vốn hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng.

”Vàng trắng” kêu cứu

Sứa biển Cô Tô được coi là “vàng trắng” mà thiên nhiên ban tặng cho người dân huyện đảo tiền tiêu của vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Gần đây, khi con sứa bắt đầu trở thành loại “đặc sản” được nhiều người ưa chuộng thì chế biến sứa đã trở thành nghề thu nhập cao của người dân huyện đảo Cô Tô.

Nhờ việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất thủ công truyền thống sang hướng hiện đại hóa, áp dụng máy móc đến 80% vào công đoạn khai thác và chế biến, huyện Cô Tô đã trở thành “vựa sứa” lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Mùa sứa ở Cô Tô bắt đầu từ 12 đến tháng 4 dương lịch hàng năm. Sứa thực sự là “vàng” khi qua tay các xưởng chế biến.

Hiện toàn huyện hiện có gần 40 xưởng chế biến sứa đang hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm cho kịp thời vụ. Diện tích mỗi xưởng dao động từ 600m - 3.500m2, mỗi xưởng có 60 - 100 bể sản xuất bao gồm bể quay và bể chứa.

Công suất chế biến trung bình mỗi xưởng đạt 120 tấn/năm (1.386 tấn/ngày). Trung bình các xưởng chế biến thu mua 1.000 - 1.500 con/ngày (khoảng 25 - 35 tấn).

Vào mỗi vụ sứa, huyện đảo nhỏ bé chưa đến sáu nghìn dân này đón khoảng hai nghìn lao động đổ về chỉ để phục vụ riêng cho khai thác và chế biến sứa.

Mỗi cơ sở giải quyết việc làm thời vụ cho từ 20 - 30 lao động, thu nhập bình quân trung bình tháng cao điểm lên đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Sứa tồn và kiểm tra sứa tồn chưa đóng thùng để xuất khẩu.

Sứa tồn và kiểm tra sứa tồn chưa đóng thùng để xuất khẩu.

Vào những năm được mùa sứa mỗi xưởng thuê lao động từ dao động từ 50 - 100 công nhân. Sản phẩm sứa toàn huyện hàng năm từ 200.000 đến 300.000 thùng.

Mỗi thùng sứa bán trên thị trường có trọng lượng 7 - 10 kg với giá bán 100.000 -600.000 đồng. Riêng Sứa đỏ có giá bán giao động từ 1 đến 2 triệu đồng/ thùng.

Việc khai thác và chế biến sứa đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế thủy sản của huyện Cô Tô, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho các hộ dân trên đảo.

Sản lượng chế biến sứa biển trong 5 năm gần đây từ 100.000 – 300.000 thùng/năm. Doanh thu từ 40- 120 tỷ đồng. Năm 2018 và 2019 đạt 253.000 thùng.

Doanh thu hàng năm đạt khoảng 80 đến 100 tỷ đồng (chiếm 80% tổng giá trị các mặt hàng thủy sản). Sứa thực sự đã trở thành mỏ “vàng trắng” của dân đảo Cô Tô.

Hàng năm cứ đến mùa sứa (từ tháng 12-tháng 4 năm sau), các thương nhân Trung Quốc lại về Cô Tô chế biến và thu mua sứa.

Tuy nhiên, thời gian gần đây do chính sách mậu biên từ phía Trung Quốc đã tạm dừng cấp hạn ngạch nhập khẩu đối với 1 số sản phẩm thủy sản của nước ta trong đó có sản phẩm sứa ướp muối. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đến nghề chế biến sứa của địa phương. Nghề sứa Cô Tô đang rất chênh vênh, nhiều “tỷ phú sứa” có nguy cơ phá sản.

Hàng trăm thùng sứa thành phẩm còn tồn khiến người làm sứa lao đao vì đọng vốn.

Giải pháp bền vững nào cho vàng trắng Cô Tô?

Theo những quy định mới, phía Trung Quốc siết chặt lại quy định kiểm soát nhập khẩu, tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu về bảo quản, đóng gói hàng hóa… Bên cạnh đó, mặt hàng sứa biển muối chưa có trong danh mục được phép nhập khẩu chính thức vào thị trường Trung Quốc thông qua con đường chính ngạch.

Vì thế nên sản phẩm sứa biển Cô Tô thời gian qua không đủ điều kiện để thông quan, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, thị trường tiêu thụ và mang đến nguồn thu chính cho người dân Cô Tô.

Chính vì thế thời gian qua ngành chế biến sứa Cô Tô đang lao đao vì hiện tại số lượng sứa thành phẩm đang tồn tại trong các kho bãi rất nhiều. Số lượng sứa chưa được tiêu thụ lên đến hơn 150.000 nghìn thùng đang được lưu giữ trong các kho bãi rất nhiều.

Có những hộ đã bỏ lại sứa trong kho để tháo chạy vì sứa chế biến xong bán không ai mua, mà nếu cứ để vẫy thì không có tiền trả cho những chi phí như tiền điện, tiện trông coi... Theo ông Nguyễn văn Đàn (trú tại Khu 4 thị trấn Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) chủ cơ sở sản xuất, chế biến sứa tại huyện Cô Tô, cho hay: Do khó tiêu thụ, tồn vốn, sứa hỏng, nhiều chủ xưởng sứa thất thoát tiền tỷ.

Xưởng tôi có 100 bể, bình quân xuất khoảng 2,5 vạn thùng/mùa (7kg/thùng), tương đương 175 tấn. Mùa sứa năm nay buồn, hàng chất đầy, giá thì “bèo”…” ông Đàn buồn rầu.

Trao đổi với phóng viên Phapluatplus.vn, ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường và nông nghiệp huyện Cô Tô cho biết: Chúng tôi liên tục nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm như, hướng dẫn hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, hồ sơ, sổ sách để cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tem nhãn mác xuất xứ nguồn gốc đảm bảo các tiêu chí cho việc xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, cũng như xuất khẩu vào nhiều nước khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Khuyến khích các mô hình liên kết chuỗi từ khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ năng lực và điều kiện xuất khẩu để tiêu thụ.

Ngoài ra, Cô Tô cũng đã chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng xem xét hoãn, giãn các khoản vay; tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, tổ chức hội nghị kết nối giao thương cung cầu giữa doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội nghị hướng dẫn quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu…

Được biết, Cô Tô cũng đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật chế biến sản phẩm sứa ăn liền phục vụ cho nhu cầu nội địa, đưa sản phẩm sứa ăn liền vào thực đơn để phục vụ cho nhân dân, du khách mỗi khi đến Cô tô, hạn chế việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đăng ký, đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh nhà để kết nối tiêu thụ sản phẩm của địa phương đối với thị trường nước ngoài.

Hướng đến việc bổ sung sản phẩm sứa biển vào danh mục sản phẩm có thế mạnh của địa phương, phải hướng tới cung cấp cho nhiều thị trường, không chỉ trông chờ vào thị trường Trung Quốc.

Kết hợp với Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ về các thủ tục pháp lý có liên quan đến việc xuất khẩu sứa sang nước ngoài trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Quang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quang-ninh-bai-toan-nao-cho-dau-ra-cua-vang-trang-d136705.html