Quảng Ngãi: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi khá toàn diện

Trong hai ngày 18, 19/10, Tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III-2019 nhằm đánh giá tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tổng kết đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2014- 2019 và đề ra định hướng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đến năm 2024. Nhân dịp này, PV Tạp chí điện tử Vanhien.vn có bài viết về kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của tỉnh Quảng Ngãi trong 5 năm qua.

Cánh đồng lúa bậc thang ở xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi)

Tỉnh Quảng Ngãi có 06 huyện miền núi, trong đó có 04 dân tộc chính là Kinh, Hrê, Co và Cadong. Đến nay đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh có 51.324 hộ với 194.369 khẩu, chiếm 14,90% dân số toàn tỉnh. Hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh đều có đồng bào DTTS cư trú. Tuy nhiên, địa bàn tập trung chủ yếu là khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh.

Cánh đồng lúa bên hồ Đồng Cần xã Thanh An, huyện miền núi Minh Long

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với vùng DTTS và miền núi. Đồng bào các DTTS của tỉnh cũng đã phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần vượt khó, hưởng ứng nhiệt tình các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia ngày càng sâu rộng vào các hương trình, chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Cầu Mò O, xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà tạo điều kiện đi lại cho hàng nghìn hộ dân

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, khóa XIX ban hành Kết luận về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững ở 06 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh đã ban hành nhiều Kế hoạch, chính sách để triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

THu hoạch mía ở xã miền núi Ba Dinh, huyện Ba Tơ

Trong giai đoạn 2015- 2019 tỉnh Quảng Ngãi thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó tập trung vào các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo lĩnh vực, theo ngành; Nhóm chính sách về dạy nghề, việc làm; Nhóm chính sách bảo vệ rừng; Nhóm chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Nhóm chính sách về y tế, dân số, chăm sóc sức khỏe; Nhóm chính sách bảo tồn văn hóa, thông tin tuyên truyền, du lịch vùng đồng bào DTTS và miền núi; Nhóm chính sách về cán bộ người DTTS, người có uy tín; Nhóm chính sách về tuyên truyền vận động đồng bào DTTS…

Đồng bào Cor Trà Thanh- huyện Tây Trà thu hoạch keo bán cho các nhà máy gỗ dăm xuất khẩu.

Nhờ vậy, vùng DTTS và miền núi của tỉnh đang từng ngày thay đổi; kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi từng bước được nâng lên. Đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất toàn vùng miền núi đạt 5.162,1 tỷ đồng. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 2.116,4 tỷ đồng; khu vực dịch vụ - thương mại đạt 990,7 tỷ đồng; khu vực sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp đạt 2.055 tỷ đồng. Về cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 41,1%; dịch vụ chiếm tỷ trong 19,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 39,7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 toàn tỉnh ước đạt 57,8 triệu đồng/người/năm; riêng thu nhập bình quân của hộ DTTS năm 2018 ước đạt 24 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đến cuối năm 2018 toàn tỉnh có 33.381 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 9,39%; trong đó riêng, 06 huyện miền núi cuối năm 2018 có 19.633 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 31,44%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới là 98,7%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch: Gồm tỷ lệ hộ dân cư đô thị dùng nước sạch là 88%; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh là 91%, trong đó sử dụng nước sạch là 50%. Tỷ lệ hộ có phương tiện nghe, nhìn là 90%; Tỷ lệ hộ có thẻ bảo hiểm y tế là 89%, trong đó số hộ DTTS đạt trên 90%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cuối năm 2018 giảm là 27,9%.

Ngày mùa ở Làng Mùng, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà

Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cấp huyện, cấp xã, trong đó về hạ tầng giao thông, hiện nay 100% xã ở vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã thông suốt 4 mùa phục vụ tốt nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện miền núi. Về hạ tầng giáo dục, đến nay có 72% xã có trường học kiên cố. Toàn vùng có 15 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp THCS 13/72 trường, tỷ lệ 18%; THPT 02/09 trường, tỷ lệ 22,2%. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở bậc mầm non đạt 94,8%, bậc tiểu học đạt 98,38%, bậc trung học cơ sở đạt 94,5%. Về hạ tầng y tế, đến nay có 58/67 Trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố đạt chuẩn về cơ sở vật chất; 42/67 Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các trạm đưa vào hoạt động có hiệu quả đáp ứng được sự mong đợi của người dân trên địa bàn 6 huyện miền núiđến khám và điều trị.Về hạ tầng đường điện, đến đầu năm 2019 tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới đạt 98,7%. Hiện nay, ở các huyện miền núi có 19 dự án thủy điện, với tổng công suất là 425,6 MW. Trong đó, có 07 dự án đã vận hành với tổng công suất 203,4 MW; 03 dự án đang thi công với tổng công suất 30,7 MW và 09 dự án đang lập dự án xin chủ trương đầu tư. Về hạ tầng chợ: Hiện trên địa bàn miền núi có 17 chợ, trong đó có 16 chợ đang hoạt động. Phần lớn các chợ ở miền núi đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư xây dựng chưa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Về hạ tầng thiết chế văn hóa, 6 huyện miền núi có 01 Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp huyện, chiếm 16,6%; có 27/83 Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp xã, chiếm tỷ lệ 32,5%; có 203/266 Nhà sinh hoạt văn hóa thôn, chiếm tỷ lệ 76,3%.

Công trình đầu mối hồ chứa nước Nước Trong tại huyện Sơn Hà\

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục duy trì ổn định. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng và Nhà nước; tăng cường cảnh giác, không để kẻ xấu lôi kéo, kích động, lợi dụng, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cầu treo ở Làng Bung, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà

Như vậy, sau 5 năm kể từ Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II-2014, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền với sự quyết tâm nổ lực vươn lên của đồng bào DTTS trong tỉnh, vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Ngãi đã có bước thay đổi khá toàn diện.

Đưa điện đến hộ gia đình đồng bào dân tộc H'rê Vùng an toàn khu Thị trấn Ba Tơ- Quảng Ngãi

Từ nay đến năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đề ra mục tiêu tổng quát đối với vùng đồng bào DTTS đó là: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 – 2025.

Khu tái định cư Anh Nhoi 2- xã Sơn Long- huyện vùng cao Sơn Tây

Nhà sàn của đồng bào dân tộc Ca Dong xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây

Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đủ trình độ, năng lực làm việc gắn với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và chuyển nghề; đào tạo nghề nông nghiệp cho một bộ phận lao động nông thôn để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính an sinh xã hội cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định nhằm ổn định cuộc sống cho đối tượng.

Quày trưng bày các sản phẩm làm từ vỏ quế ở huyện Trà Bồng

Đêm hội của đồng bào dân tộc Hre Ba Tơ

Khám chữa bệnh cho đồng bào Hre tại Trạm y tế xã Ba Điền, huyện Ba Tơ

Trình diễn Đấu chiêng dân tộc Cor Trà Bồng tại Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung năm 2018.

Lễ hội hiến trâu của người Cor huyện trà Bồng

Lễ đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt về di tích lịch sử địa điểm cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, có 73% thôn có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa, bê tông hóa; 81% trạm y tế xã được kiên cố hóa, đạt chuẩn quốc gia về y tế; 85% phòng học được kiên cố hóa, 37% trường mầm non, 60% tiểu học, 55% trung học cơ sở và 60% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; 100% trụ sở xã được xây dựng kiên cố; 100% xã có nhà văn hóa, 98% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng được kiên cố hóa; 99% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; Trên 90% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; Giảm 3 - 4% tỷ lệ hộ nghèo DTTS; 100% hộ DTTS có thẻ bảo hiểm y tế; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 19%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Đại hội cũng đã bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam 16 thành viên.

Bài, ảnh: Nguyễn Đăng Lâm- PV vanhien.vn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/quang-ngai-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-da-co-buoc-thay-doi-kha-toan-dien-72595