Quảng Ngãi với những giải pháp giữ chân người lao động

Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập bền vững, ổn định đời sống cho người lao động trở về địa phương do ảnh hưởng dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện. Vấn đề cốt yếu là để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với quê hương, tạo thêm nguồn lực phát triển bền vững cho tỉnh.

Xưởng sản xuất tại Công ty TNHH Mensa Industries (Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi).

Xưởng sản xuất tại Công ty TNHH Mensa Industries (Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi).

Hơn hai tháng qua, tỉnh Quảng Ngãi đón khoảng 35 nghìn người dân từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về quê, trong đó rất nhiều lao động có kinh nghiệm lâu năm, tay nghề cao trong nhiều ngành nghề. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Ðặng Văn Minh nhấn mạnh: Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân phải quay về quê, trong khi Quảng Ngãi đang phát triển công nghiệp, phát triển dịch vụ và thương mại. Do vậy, cần giữ chân những lao động này ở lại, có việc làm ngay tại quê hương của mình. Ðây là trách nhiệm của các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương.

Muốn giữ chân người lao động ở lại quê hương phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, có ba yếu tố chính mà người lao động quan tâm. Ðó là, thu nhập, môi trường làm việc và chỗ ở. Sau 10 năm làm công nhân may ở TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Hương (ở xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi) trở về quê và quyết định làm việc tại Công ty TNHH may xuất khẩu Thuyên Nguyên thuộc Khu công nghiệp Tịnh Phong. Nhận lương tháng đầu tiên tám triệu đồng, thấp hơn một triệu đồng so với lúc làm tại TP Hồ Chí Minh, nhưng theo chị Hương chi phí tiêu dùng ở Quảng Ngãi rẻ hơn, nhất là không phải thuê nhà nên tiết kiệm được nhiều hơn.

Tương tự, chị Trần Thị Thanh Anh, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế lấy chồng người Quảng Ngãi rồi vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh tám năm nay. Sau khi dịch bùng phát mạnh, hai vợ chồng trở về Quảng Ngãi tránh dịch và tìm kiếm việc làm. Chỉ sau một ngày nộp đơn, chị Anh được Công ty TNHH may xuất khẩu Thuyên Nguyên nhận vào làm việc ngay. Chị chia sẻ, thu nhập ở Quảng Ngãi thấp hơn, nhưng cuộc sống thoải mái hơn. Hạnh phúc nhất là hằng ngày sau khi làm việc xong, chị được về nhà với gia đình, người thân.

Thị trường lao động ở Quảng Ngãi hiện sôi động không kém ở các tỉnh, thành phố phía nam. Các doanh nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đang cần một lượng lớn lao động, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề cao. Ðơn cử, Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất, từ nay đến cuối năm 2021 cần tuyển thêm 500 lao động và năm 2022 sẽ tuyển hơn 4.000 lao động để làm việc cho dự án Hòa Phát Dung Quất 2. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Quảng Ngãi có đơn đặt hàng tăng cao, nên cần tuyển thêm lao động với số lượng lớn.

Kỹ sư, công nhân kỹ thuật Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất theo dõi hoạt động sản xuất của đơn vị.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa thông tin, từ nay đến hết năm 2022, các doanh nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cần tuyển thêm khoảng 21 nghìn lao động. Ðây là cơ hội để người lao động trở về quê tránh dịch có việc làm ổn định, gắn bó lâu dài với quê hương.

Bên cạnh nhiều cơ hội việc làm, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành và triển khai kế hoạch tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trở về từ các tỉnh gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Tập trung đào tạo theo vị trí việc làm tại các doanh nghiệp ở các ngành nghề đang có nhu cầu, qua đó giúp cho doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu sử dụng, nâng cao năng suất lao động và tạo thu nhập bền vững cho người lao động. Ðồng thời, để cạnh tranh giữ chân người lao động ở lại quê nhà, các doanh nghiệp còn tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và áp dụng nhiều chế độ đãi ngộ người lao động.

Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi hiện có 19 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 27 nghìn người lao động. Ðây là khu công nghiệp kiểu mẫu trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp kết hợp mảng cây xanh tạo ra không gian xanh, thân thiện với môi trường. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư tại đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, máy móc, trang, thiết bị được đầu tư hiện đại, công nghệ tiên tiến giúp cho người lao động không ngừng nâng cao hiệu quả trong làm việc, tạo ra thu nhập cao. Chính sách tiền lương, bảo hiểm được thực hiện đúng với quy định của Nhà nước. Chị Phạm Thị Lê Nương, công nhân Công ty Properwell tâm sự, làm việc ở doanh nghiệp này, công nhân cảm thấy rất thoải mái. Doanh nghiệp luôn quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề, tạo cơ hội thăng tiến trong công việc cho người lao động và thực hiện đầy đủ các chế độ, quan tâm đến đời sống của công nhân, nhất là công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Một yếu tố khác mà người lao động rất quan tâm, đó là nhu cầu về nhà ở. Thực tế hiện nay, sau giờ tan ca, chỉ những công nhân có nhà cách doanh nghiệp từ 10-15 km mới đi về nhà. Những người ở xa hơn thì chọn ở trọ trong các khu dân cư gần chỗ làm. Chẳng hạn, ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh có hai khu công nghiệp là VSIP Quảng Ngãi và Tịnh Phong. Hiện, số phòng trọ được người dân xã Tịnh Phong xây cho công nhân thuê ở đã kín chỗ, trong khi nhu cầu rất lớn, cho nên vấn đề nhà ở của công nhân cần phải được tỉnh Quảng Ngãi tính tới.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi Trần Quang Tòa cho biết, tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận việc giao 2 ha đất ở xã Tịnh Phong cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây nhà ở cho công nhân. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2021- 2025 để giúp người lao động an tâm sản xuất. Ngoài ra, giai đoạn 2021- 2030, các địa phương ở Quảng Ngãi dành diện tích đất khá lớn ở nhiều địa điểm khác nhau để xây dựng nhà ở xã hội. Riêng thành phố Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh quy hoạch nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 là 371 ha.

Có nhà ở ổn định, bảo đảm đầy đủ các điều kiện sinh hoạt là yếu tố quan trọng giúp người lao động có được sức khỏe, tinh thần, tâm lý tốt nhất để tập trung lao động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc quan tâm chăm lo nhà ở cho công nhân, người lao động là sự đầu tư cần thiết cho phát triển của Quảng Ngãi trong tương lai. Chính vì vậy, vấn đề nhà ở cho công nhân cần phải nhanh chóng được giải quyết để người lao động là con em Quảng Ngãi không còn do dự ở lại quê làm việc lâu dài hay đi vào các tỉnh, thành phố phía nam.

Bài và ảnh: Hiền Cừ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xahoi/quang-ngai-voi-nhung-giai-phap-giu-chan-nguoi-lao-dong-679608/