Quảng Ngãi, từ 22 tỷ đến 28 ngàn tỷ

Từ khi đất nước đổi mới đến nay, Quảng Ngãi đã không ngừng phát triển vươn lên và thu được nhiều thành tựu đáng kể. Năm 1990, ngân sách Quảng Ngãi thu 22 tỷ đồng, đến năm 2014 được xem là mốc đáng nhớ nhất khi thu ngân sách lên gần 28.000 tỷ đồng.

Khu kinh tế Dung Quất đã tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề cao. Ảnh: Lê Văn Chương

Kỳ vọng khu công nghiệp

Tháng 8, về Khu kinh tế Dung Quất, không khí làm việc thật sôi động. Sau một thời gian lắng đọng, nơi đây đang sôi động như một đại công trường. Hàng ngàn công nhân, kỹ sư khắp đất nước đổ về để xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất Giang thép Hòa Phát, có tổng vốn 52.000 tỷ đồng.

Bên cạnh công trường khu gang thép Hòa Phát là Công ty Doosan của Hàn Quốc. Đây là một trong những doanh nghiệp FDI có thành tựu nổi bật ở tỉnh Quảng Ngãi, thu hút hơn 2.100 công nhân. Nơi đây cho ra lò những thiết bị siêu trường, xuất đi 28 nước như: Trung Đông, Nam Mỹ, Canađa, Mỹ, Ôxtrâylia...

Ngày 22-8 vừa qua, có 6 doanh nghiệp của Hàn Quốc đã làm lễ khởi công, động thổ, nhận giấy phép của tỉnh Quảng Ngãi... Quy mô của 6 công ty này không lớn, nhưng hiệu ứng từ Doosan Vina sau gần 12 năm hoạt động, đã tạo ra ấn tượng tốt với Quảng Ngãi.

Chỉ tiêu 2,5 - 3,5 tỷ USD

Năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XVII đã ban hành Nghị quyết 02 về phát triển công nghiệp và Nghị quyết 03 về phát triển Khu kinh tế Dung Quất (trong lĩnh vực công nghiệp). Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 tiếp tục có nghị quyết, xác định công nghiệp là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh.

Để thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ chi phí đào tạo lao động cho các doanh nghiệp; rút ngắn thủ tục hành chính, với cơ chế nhanh gọn, tập trung một đầu mối; giá cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư với mức thấp nhất là 0,5% theo khung giá quy định của Chính phủ; hỗ trợ tương đương 20% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án; hỗ trợ 70% chi phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư do tỉnh tổ chức vào ngày 20-10-2017, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bên cạnh Khu kinh tế Dung Quất là một trong 5 khu kinh tế ven biển của Việt Nam, Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp tập trung và 15 cụm công nghiệp, làng nghề. Khu phức hợp công nghiệp - đô thị và dịch vụ VSIP có cơ sở hạ tầng hiện đại, dịch vụ hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo: Quảng Ngãi cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ; tập trung đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Với ngư trường rộng lớn trên 11.000km2 và đường bờ biển dài 130km, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và kinh tế biển. Là một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nên Quảng Ngãi có lợi thế về nhiều mặt để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Con số so sánh

Trong dịp Kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Ngãi được tổ chức vào năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra những con số cho thấy bước phát triển vượt bậc từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay: Từ sau đổi mới 1986, công nghiệp của toàn tỉnh có quy mô nhỏ, phải đi xin hỗ trợ, nhưng đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 23.636 tỷ đồng. Giai đoạn tăng tốc nhanh nhất là 2011-2016, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi tăng bình quân 4,9%/năm.

Ông Nguyễn Minh, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, là người từng thấm thía sự nghèo của Quảng Ngãi trong giai đoạn là một tỉnh nông nghiệp bước sang làm công nghiệp. Ông Minh chia sẻ, khi Quảng Ngãi thu ngân sách gần 28.000 tỷ vào năm 2013, các tỉnh bạn đều nói Quảng Ngãi phát triển theo chiều thẳng đứng. Nhưng thực chất, thành tựu trên là nhờ vào công nghiệp và từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã đạt 2.509 USD/người (57,7 triệu đồng/người), nhiều gia đình từ nghèo trở thành khá, có đời sống phát triển.

Tháng 6 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức phiên họp sơ kết và đưa ra những con số để đánh giá tốc độ phát triển của tỉnh: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,23% so với cùng kỳ năm 2017; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt hơn 7.400 tỷ đồng, tăng 3,78%; sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 245 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ...

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quang-ngai-tu-22-ty-den-28-ngan-ty/