Quảng Ngãi trên hành trình phát triển

Sau 46 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vượt qua bao gian lao, Quảng Ngãi đã vươn mình đi lên mạnh mẽ, hòa nhịp cùng sự đổi thay của non sông, đất nước.'Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi tiếp tục khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng, niềm tin phát triển trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững. Phát triển kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu; lấy tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, bền vững làm hướng chủ đạo. Đồng thời, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lấy giá trị văn hóa, con người làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững'.

Những ngày cuối tháng tư lịch sử, diện mạo vùng đất Quảng Ngãi anh hùng như được tô thắm rực rỡ hơn bởi cờ đỏ sao vàng, cờ hoa treo khắp nơi từ thành thị đến các làng quê, từ miền xuôi lên miền ngược. Quảng Ngãi hôm nay đã thật sự đổi thay, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.

Đi lên từ gian khó

Kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), cũng như nhiều địa phương trong cả nước, Quảng Ngãi gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề, từ hậu quả bom mìn, chất độc hóa học do chiến tranh để lại, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng; đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, thiếu thốn... Đứng trước khó khăn chồng chất, Quảng Ngãi đã huy động sức người, sức của tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống nhân dân. Từ một tỉnh nghèo, có xuất phát điểm thấp, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém... đến nay, Quảng Ngãi đã có sự phát triển vượt bậc.

Thành phố Quảng Ngãi ngày càng phát triển. Ảnh: Thanh Trung

Một trong những công trình để lại dấu ấn đậm nét trong hành trình xóa đói giảm nghèo của Quảng Ngãi là đại công trình thủy lợi Thạch Nham được xây dựng đã tưới mát cho hơn 30.000ha đất canh tác của nhân dân trong tỉnh. Nhờ nguồn nước Thạch Nham, cuộc “cách mạng xanh” đã trải rộng khắp làng mạc, ruộng đồng Quảng Ngãi, diện tích trồng lúa tăng dần qua từng năm và năng suất cây trồng tăng lên đáng kể. Tiếp nối sau Thạch Nham là những công trình thủy lợi như hồ Núi Ngang (tưới cho 1.450ha), Nước Trong (tưới 52.600ha) và hàng loạt hồ, đập lớn nhỏ được đầu tư xây dựng, nâng cấp đã đặt nền móng cho sự ổn định và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ngành nông nghiệp phát triển đã giúp người dân Quảng Ngãi từng bước thoát khỏi nghèo đói, vươn lên có cuộc sống khấm khá. Sau gần 32 năm tái lập tỉnh (1989 - 2021), Quảng Ngãi đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng lớn. Từng bước khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, hình thành vùng sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã dồn điền, đổi thửa hơn 7.750ha trên 263 cánh đồng, tại 69 xã của 7 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa và tăng hiệu quả kinh tế. Năm 2020, sản lượng cây lương thực có hạt đạt trên 478.300 tấn, sản lượng lương thực bình quân đầu người ổn định 388kg/người/năm...

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình trọng điểm quốc gia hình thành trên vùng đất khu đông huyện Bình Sơn đã tạo động lực cho sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Quảng Ngãi. ẢNH: P.DANH

Ngành nông nghiệp tuy phát triển vượt bậc, song vẫn chưa phải là lĩnh vực đột phá chiến lược của Quảng Ngãi. Kinh tế Quảng Ngãi được cả nước biết đến chính là từ khi công trình trọng điểm quốc gia - Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất hình thành trên vùng đất khô cằn thuộc các xã phía đông huyện Bình Sơn.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, các xã khu đông Bình Sơn là vùng chiến sự ác liệt. Sau ngày giải phóng, người dân ở đây lại bắt tay vào cuộc chiến chống đói nghèo. Nhưng chỉ đến khi được Chính phủ chọn xây dựng KCN Dung Quất - nay là KKT Dung Quất, cuộc sống của người dân mới từng bước được cải thiện và họ tự hào trên quê hương đã hình thành một trong những KKT lớn của Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh ĐẶNG VĂN MINH

Những thành quả nổi bật

Dung Quất là KKT ven biển đầu tiên của cả nước, với “trái tim” NMLD Dung Quất đã tạo ra một bước đột phá mới cho kinh tế của Quảng Ngãi. Đây cũng là động lực quan trọng để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp. Với công suất 6,5 triệu tấn/năm, NMLD Dung Quất từ khi đưa vào hoạt động (2009) đến nay đã trở thành một trụ cột vững chắc của nền kinh tế Quảng Ngãi, làm thay đổi lớn về quy mô và cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt là đóng góp rất lớn cho nguồn thu ngân sách tỉnh và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là dự án động lực thu hút thêm nhiều dự án đầu tư vào KKT Dung Quất.

Tiếp nối sự thành công của NMLD Dung Quất, nhiều công trình, dự án “khủng” đã liên tiếp hiện hữu trên địa bàn KKT Dung Quất, như Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan Vina, xây dựng trên diện tích 110ha, với vốn đầu tư gần 300 triệu USD; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Doosan Vina đầu tư tại KKT Dung Quất đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển. ẢNH: D.S

Hay như Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, với diện tích quy hoạch 1.700ha. Sau 8 năm triển khai, đến nay KCN VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 29 dự án đầu tư, với tổng vốn hơn 900 triệu USD. Hiện tại, có 17 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 20 nghìn lao động. Đặc biệt, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, với tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng, sau hơn 4 năm triển khai đã đưa vào hoạt động, với công suất 4 - 5 triệu tấn/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động; đóng góp vào nguồn thu ngân sách 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm và trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi.

Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 55.853 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần so với năm 1989 khi mới tái lập tỉnh; GRDP bình quân đầu người hiện nay ước đạt 2.845 USD/người/năm. Cơ cấu kinh tế đã và đang chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp - xây dựng chiếm 52,82%, dịch vụ 28,41% và nông, lâm, nghiệp và thủy sản 18,77%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 134.062 tỷ đồng, giá trị công nghiệp tăng thêm ước đạt 27.895 tỷ đồng. Đây cũng là ngành trụ cột trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua và trong những năm đến. Nhất là sau khi hạ tầng KKT Dung Quất, các KCN VSIP Quảng Ngãi, Tịnh Phong, Quảng Phú và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh được đầu tư ngày càng hoàn thiện.

Bên cạnh phát triển kinh tế, Quảng Ngãi cũng đã tập trung chăm lo, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Trong đó, sự nghiệp giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được nâng cao; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo; an sinh xã hội được đảm bảo...

Những thành tựu Quảng Ngãi đạt được hôm nay đánh dấu một chặng đường dài đầy gian lao, vất vả mà Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã bền bỉ vượt qua. Thành tựu ấy cũng chính là nền tảng quan trọng để Quảng Ngãi tiếp tục bứt phá vươn lên, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung vào năm 2025 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

PHẠM DANH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202104/quang-ngai-tren-hanh-trinh-phat-trien-3054707/