Quảng Ngãi: Thiếu giáo viên ở các huyện miền núi khi bước vào năm học mới

Sắp bước vào năm học mới 2018 – 2019, tuy nhiên 1 thực trạng làm cho những người đang công tác trong ngành giáo dục ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi hết sức lo lắng.

Đó là sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên đứng lớp, cũng như nhân viên tại các trường học trên địa bàn miền núi của tỉnh.

Năm học mới sắp bắt đầu, bên cạnh việc tích cực hoàn tất sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm mới các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học, ngành giáo dục của tỉnh Quảng Ngãi, nhất là ở các huyện miền núi hết sức lo lắng vì thiếu giáo viên đứng lớp, cũng như nhân viên tại các trường học, do không thể ký hợp đồng với giáo viên ngoài biên chế.

Thực hiện theo chủ trương chung mà tỉnh ban hành là kể từ năm 2019 trở đi các cơ quan, đơn vị hành chính chấm dứt hợp đồng với người lao động chuyên môn, nghiệp vụ hưởng lương từ ngân sách. Do đó, từ năm học 2018 – 2019, các Phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không được ký hợp đồng lao động với giáo viên ngoài biên chế.

Thực trạng này khiến cho các huyện miền núi thiếu đội ngũ giáo viên trầm trọng trong năm học tới. Riêng ở 2 huyện miền núi Tây Trà và Trà Bồng (Quảng Ngãi) sẽ thiếu hàng trăm giáo viên và nhân viên phục vụ trong các trường học.

Ông Phạm Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà trao đổi với PV về việc thiếu giáo viên trong năm học tới trên địa bàn của huyện.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà, năm học này toàn huyện có khoảng 5.900 học sinh ở 3 cấp học là Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Ngoài số giáo viên biên chế theo định mức, hiện toàn huyện còn thiếu 91 giáo viên và nhân viên, trong đó thiếu 41 giáo viên đứng lớp. Cụ thể, bậc Mầm non thiếu 16 giáo viên, Tiểu học thiếu 15 giáo viên và Trung học cơ sở thiếu 15 giáo viên.

Ông Phạm Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà cho biết: “Trong năm học 2017 – 2018 vừa qua, Phòng ký hợp đồng với 167 giáo viên mới đủ số giáo viên đứng lớp, nhưng năm học 2018 – 2019 này, Phòng sẽ không được phép ký hợp đồng với giáo viên ngoài biên chế nữa nên chúng tôi đang rất lo lắng. Hiện tại khó khăn nhất là thiếu giáo viên dạy môn tiếng Anh, vì bộ môn này các giáo viên khác không thể dạy thay được, trong khi đó hiện mỗi trường của huyện chỉ có 1 giáo viên dạy bộ môn này, nhưng lại có đến 8 – 9 lớp học, nên giáo viên rất khó khăn để có thể hoàn thành được nhiệm vụ”.

Trong khi đó, cũng giống như tình trạng thiếu giáo viên của huyện Tây Trà, tại huyện Trà Bồng cũng đang gặp phải tình trạng khó khăn này. Theo đó, trong năm học tới, huyện Trà Bồng thiếu 47 giáo viên đứng lớp, chưa kể thiếu nhân viên; trong đó, bậc Mầm non thiếu 20 giáo viên, Tiều học 14 giáo viên, ngoài ra giáo viên tiếng Anh thiếu 8 người và Tin học là 5 giáo viên.

Ông Trần Minh Diệp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng cho biết: “Nếu không được ký hợp đồng để bổ sung số giáo viên còn thiếu, chúng tôi buộc phải giảm quy mô bán trú để đưa giáo viên về các điểm trường còn thiếu. Tuy nhiên, điều này sẽ đi ngược lại với chủ trương của ngành và sẽ kéo chất lượng giáo dục đi xuống, nhưng nếu không làm vậy các điểm trường sẽ không có giáo viên đứng lớp”.

Trước thực trạng này, UBND huyện Trà Bồng đã có văn bản kiến nghị cấp trên có cơ chế riêng cho ngành giáo dục của huyện để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, Nguyễn Xuân Bắc cho biết: “Vừa qua, toàn huyện có khoảng 50 giáo viên nghỉ hưu và luân chuyển công tác nên nhiều trường thiếu giáo viên trầm trọng. Chúng tôi đã kiến nghị với UBND tỉnh cần có cơ chế ưu tiên cho ngành giáo dục được ký hợp đồng với giáo viên, hoặc luân chuyển giáo viên từ địa phương khác đến, nếu không thì tiếp tục cho thi tuyển để đảm bảo chất lượng giáo dục”.

Minh Quân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/giao-duc/quang-ngai-thieu-giao-vien-o-cac-huyen-mien-nui-khi-buoc-vao-nam-hoc-moi-265738.html