Quảng Ngãi: Tăng cường công tác bình ổn thị trường ứng phó bão số 9

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa yêu cầu Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác bình ổn thị trường ứng phó bão số 9 (Molave).

Theo đó, nhằm tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường, chống các hành vi lợi dụng thiên tai, bão lũ, găm hàng thu lợi bất chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu lưu thông hàng hóa, phối hợp với các địa phương kịp thời điều tiết hàng hóa khi có nhu cầu. Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh, các nhà phân phối có biện pháp tăng cường dự trữ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường, phòng ngừa việc thiếu hụt, khan hàng trên địa bàn tỉnh.

Bà con mua sắm vật dụng chống bão số 9

Bà con mua sắm vật dụng chống bão số 9

Đồng thời, giao cho Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng tung tin thất thiệt, tăng giá hàng hóa bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường. Kịp thời phối hợp thông tin cho Sở Công Thương về tình hình thị trường khi xảy ra biến động, đặc biệt tại khu vực chịu ảnh hưởng, tác động của mưa và bão số 9 để có phương án xử lý, điều chuyển hàng hóa kịp thời. Trong đó, lưu ý các mặt hàng thiết yếu có khả năng tăng giá, thiếu hụt sau bão như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng (tôn lợp, đinh vít, xi măng,…).

Trong khi đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ chủ động tăng cường triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng chống thiên tai năm 2020 của địa phương đã được xây dựng. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trên địa bàn huyện tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, chống các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường; xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Trong đó, lưu ý các mặt hàng thiết yếu có khả năng tăng giá, thiếu hụt sau bão như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng (tôn lợp, đinh vít, xi măng,…). Trường hợp vượt quá khả năng điều tiết hàng hóa của địa phương, kịp thời phối hợp thông tin đến Sở Công Thương để kịp thời điều tiết hàng hóa, bình ổn thị trường. Đồng thời, thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin về cung cầu lưu thông hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn cho UBND tỉnh (thông qua Sở Công Thương) để theo dõi chỉ đạo.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ngai-tang-cuong-cong-tac-binh-on-thi-truong-ung-pho-bao-so-9-146409.html