Quảng Ngãi phát triển kinh tế thủy sản bền vững

Từ nguồn lực của người dân cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển thủy sản, những năm qua, lực lượng tàu thuyền ở Quảng Ngãi tiếp tục được cải hoán, đóng mới theo hướng công suất lớn, cơ cấu ngành nghề được chuyển đổi với trang thiết bị hiện đại, công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu cá được cải tiến. Nhờ đó, ngành kinh tế thủy sản phát triển nhanh với giá trị sản xuất tăng bình quân từ 7 đến 8%/năm, trong đó nghề khai thác hải sản có tốc độ tăng nhanh nhất...

Bám biển mưu sinh, ngư dân nhiều làng chài ở Quảng Ngãi có cuộc sống đủ đầy.

Bám biển mưu sinh, ngư dân nhiều làng chài ở Quảng Ngãi có cuộc sống đủ đầy.

Bám biển làm giàu

Sớm tinh mơ, tại cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á (xã Phổ Quang, huyện Ðức Phổ) tàu cá tấp nập cập bến. Trên bến, dưới thuyền kẻ bán, người mua gọi nhau í ới. Cả làng chài Hải Tân ngập tràn niềm vui vì phiên biển được mùa. Những mẻ cá tươi rói còn hăng nồng vị biển được thương lái thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ. Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang Võ Xuân Cẩm hồ hởi cho biết, những năm gần đây, hàng trăm tàu cá của ngư dân Phổ Quang luôn đánh bắt đạt hiệu quả cao, trong đó nhiều tàu cá hành nghề lưới vây có thu nhập mỗi năm khoảng 500 triệu đồng.

Trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ngư dân Nguyễn Văn Ðương ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang tâm sự: Những chuyến ra khơi dù vất vả, cực nhọc, đối diện nhiều hiểm nguy nhưng biển lại ban tặng ngư dân Phổ Quang cuộc sống đủ đầy, nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ biển. Từ vốn liếng ban đầu chỉ là chiếc tàu cá công suất 33 CV, sau hơn 30 năm vẫy vùng khắp ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mưu sinh, giờ đây ngư dân Nguyễn Văn Ðương không chỉ là một thuyền trưởng mà còn là người chỉ huy hai tổ đội tàu gồm năm tàu cá có công suất từ 360 đến 820 CV, với 60 lao động thường xuyên bám biển xa. Nhờ kiên trì bám biển và mạnh dạn đầu tư nhiều tỷ đồng để cải hoán, đóng mới tàu cá công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại, cho nên đội tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Ðương luôn khai thác sản lượng hải sản đạt cao, tổng doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm. Với những thành quả lao động trên biển, ngư dân Nguyễn Văn Ðương nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen. Năm 2017, ngư dân Nguyễn Văn Ðương là một trong bốn nông dân tiêu biểu của huyện Ðức Phổ được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giai đoạn 2012-2017.

Với kinh nghiệm gần 30 năm bám biển cộng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong đánh bắt và tổ chức lao động hợp lý, ngư dân Nguyễn Gia Viên ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn từ hai bàn tay trắng đã trở thành tỷ phú. Hiện gia đình ông sở hữu ba tàu công suất lớn, được trang bị các loại ngư cụ hiện đại như máy dò ngang, máy dò dòng chảy, máy chụp trị giá hơn 2,5 tỷ đồng... "Trong số ba tàu, tôi phân ra một tàu chạy dò tìm luồng cá, một tàu đánh cá và một tàu chuyển cá vào bờ. Nhờ cách làm này, đội tàu năm nào cũng được mùa cá, với tổng doanh thu đạt 15 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ngư dân đi cùng được chia gần 200 triệu đồng/năm.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, nhiều năm qua, các tàu cá khai thác cá nổi hành nghề lưới rê, lưới vây, lưới rút, chụp mực phát triển ổn định, ngư dân có thu nhập cao cho nên cuộc sống nơi làng biển ngày càng sung túc hơn. Bí thư Ðảng ủy xã Phổ Quang Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, nhờ nâng cao cường lực đánh bắt, tổng sản lượng khai thác hải sản của xã năm sau luôn cao hơn năm trước, doanh thu đạt 500 đến 600 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi lao động đi biển có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

Hiện đại hóa nghề khai khác hải sản

Với bờ biển dài hơn 130 km gồm sáu cửa biển lớn: Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Cửa Lỡ, Mỹ Á, Sa Huỳnh và một huyện đảo, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển ngành thủy sản. Tỉnh xác định kinh tế thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó việc đánh bắt hải sản theo hướng hiện đại hóa, bền vững gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm. Chiến lược này được ngư dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ cho nên việc cải hoán, đóng mới tàu cá có công suất lớn là ưu tiên hàng đầu của ngư dân Quảng Ngãi. Bình quân mỗi năm, ngư dân trong tỉnh cải hoán, đóng mới từ 300 đến 500 tàu cá. Nếu như năm 1989, toàn tỉnh chỉ có 2.600 tàu cá với tổng công suất 28.000 CV thì đến nay, Quảng Ngãi đã có 5.560 tàu cá với tổng công suất hơn 1,8 triệu CV, bình quân 330 CV/tàu. Trong đó, tàu cá dài hơn 15 m đánh bắt xa bờ là 3.300 tàu, đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Kiên Giang).

Bên cạnh việc gia tăng số lượng tàu cá công suất lớn, ngư dân Quảng Ngãi còn mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị máy móc, ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi hành nghề nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều ngư dân đầu tư, ứng dụng thành thạo máy ra-đa, máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc, máy tự động nhận dạng, các loại máy dò quét trên tàu xa bờ đã mang lại hiệu quả với sản lượng khai thác tăng cao, tăng thu nhập sau mỗi chuyến biển. Thí dụ, toàn xã Tịnh Kỳ có 100 tàu cá hành nghề lưới vây và các nghề khác được trang bị máy dò ngang thì kết quả đánh bắt mỗi chuyến biển đạt 17 đến 20 tấn, tăng hơn 50% so với khi chưa có máy dò ngang, chi phí nhiên liệu giảm xuống hơn 25%. Ngoài ra, việc sử dụng hầm cá theo công nghệ PU FOAM giúp ngư dân kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm trên biển từ 6 đến 7 ngày đêm lên 20 ngày, chất lượng bảo quản sản phẩm tốt, giảm mức tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%.

Cùng với phát triển đội tàu cá lớn mạnh, đủ năng lực khai thác thủy sản xa bờ, tỉnh Quảng Ngãi còn ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng nghề cá. Trong giai đoạn 2016-2019, từ nguồn vốn ngân sách T.Ư và địa phương, tỉnh Quảng Ngãi giải ngân hơn 343,6 tỷ đồng để đầu tư một số cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền ở Lý Sơn, TP Quảng Ngãi, Ðức Phổ, bước đầu cơ bản đáp ứng được các dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác thủy sản.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020 giảm số lượng tàu thuyền trên địa bàn tỉnh xuống còn 5.300 chiếc với tổng công suất 1,6 triệu CV; tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt 206.000 tấn, giá trị sản xuất thủy sản đạt 6.840 tỷ đồng, tăng bình quân 7,6%/năm, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động, trong đó số lao động nghề cá qua đào tạo khoảng 70%. Ðồng thời, giảm tỷ lệ nghề kéo lưới tầng đáy xuống dưới 25%, tăng nghề rê khơi lên 30%, nghề rê câu lên 18% và nghề vây đạt 13%. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đưa ra nhiều giải pháp phục vụ cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác thủy sản ven bờ, nghề lặn bắt hải sản sang các nghề khác thân thiện với môi trường; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá; áp dụng công nghệ mới trong dự báo ngư trường, xác định vị trí hoạt động tàu thuyền, ứng dụng rộng rãi ngư cụ, thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt cũng như bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bảo đảm chất lượng; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác thủy sản xa bờ để nâng cao hiệu quả nghề khai thác, giảm tổn thất khi xảy ra rủi ro.

Bài và ảnh: HIỀN CỪ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42597002-quang-ngai-phat-trien-kinh-te-thuy-san-ben-vung.html