Quảng Ngãi: Nỗ lực gỡ Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu

Sau khi bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo Thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu sang thị trường EU, Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, để kiên định 'nói không với thủy sản khai thác IUU' vẫn còn nhiều bất cập cần phải được đẩy lùi.

Cơ bản khắc phục các tồn tại

Theo thống kê mới nhất của tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 5.272 tàu cá, tổng công suất máy chính trên 1.800.000 CV, trong đó có 3.354 tàu cá bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (tàu từ 15 CV trở lên). Hiện phần lớn tàu cá thuộc diện này đã được lắp đặt thiết bị, kết đồng bộ với phần mềm dùng chung của Tổng cục Thủy sản và được chia sẻ, phân quyền cho các cơ quan chức năng quản lý, sử dụng.

Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng trong tỉnh đều được phân quyền truy cập dữ liệu tàu cá của tỉnh để phục vụ cho công tác quản lý, chuyên môn.

Qua hệ thống giám sát tàu cá, hàng ngày, Chi cục Thủy sản theo dõi toàn bộ tàu cá của tỉnh hoạt động trên các vùng biển, kịp thời cảnh báo, nhắc nhở chủ tàu, thuyền trưởng khi tàu vượt ra ngoài ranh giới vùng biển Việt Nam hoặc ngắt kết nối.

 Phần lớn tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Phần lớn tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Đối với công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, Sở NN&PTNN tỉnh đã thành lập văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại 4 cảng cá: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Mỹ Á và Sa Huỳnh. Các văn phòng này cùng với Ban Quản lý cảng cá, lực lượng biên phòng đã triển khai việc kiểm tra, giám sát tàu xuất bến, cập bến, lên cá của các tàu hoạt động khai thác hải sản.

Trong thời gian qua, công tác thực thi pháp luật đã được ngành chức năng trong tỉnh tăng cường thực hiện, nhằm xử lý triệt để hành vi cố tình vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và vi phạm khai thác IUU dưới mọi hình thức, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, không cho xuất bến những tàu không có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc lắp đặt nhưng ngắt kết nối, không còn kẹp chì. Tỉnh này đã ngăn chặn triệt để tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm trái phép vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cho chủ trương thành lập lực lượng kiểm ngư và xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị.

Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, 4 nhóm vấn đề tỉnh này còn tồn tại trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định gồm: Khung pháp lý, quản lý hành tình trên biển, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm hành chính đã cơ bản được khắc phục.

Vẫn còn nhiều bất cập

Ông Hồ Trọng Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục trong quá trình chống khai thác IUU. Trong đó, đáng nói là hiện Quảng Ngãi có đến 1.782 phương tiện tàu cá không đảm bảo giấy tờ, trong đó, 1.316 tàu cá hết hạn đăng kiểm.

Bốc dỡ cá tại một cảng tư nhân.

Tình trạng tàu hết hạn đăng kiểm do phương tiện bị hư hỏng, nằm bờ (500 chiếc do hoạt động kém hiệu quả, 200 chiếc hành nghề lưới kéo bị cấm), ngư dân chuyển nghề đi làm ăn xa, hoặc tàu cá được mua đi bán lại nhiều lần. Ngoài ra, nhiều trường hợp ngư dân thực hiện đăng kiểm tàu cá ở các tỉnh, thành khác, nhưng không thông báo với Chi cục Thủy sản.

Không chỉ tàu hết hạn đăng kiểm, toàn tỉnh hiện có 466 chiếc tàu “2 không”: Không có giấy chứng nhận khai thác thủy sản (KTTS) và không đăng ký đăng kiểm. Những tàu này thuộc diện cải hoán từ phương tiện thủy nội địa tự phát, đóng mới hoặc mua lại. Hơn nữa, phần lớn các phương tiện hành nghề khai thác hải sản gần bờ, lại hành nghề cấm và ngư lưới cụ không đảm bảo quy định, nên ngư dân thường cố tình “né” thực hiện các thủ tục cấp giấy phép KTTS và đăng kiểm.

Ngoài ra, trong nhiệm vụ cụ thể về chống khai thác IUU, lộ trình thực hiện đưa ra là hoàn thành trước ngày 30/7, nhưng Quảng Ngãi chỉ mới đạt trên 70%.

Vấn đề quan trọng nữa là cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là các cảng cá của Quảng Ngãi chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của cảng cá loại II, đầu tư chưa đồng bộ.

Đối với công tác truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng theo yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi, tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu. Cơ chế kiểm soát hiện nay chưa đảm bảo được nguồn gốc hợp pháp của một phần sản phẩm chế biến ở Việt Nam, không kiểm soát được nguồn nguyên liệu ở các nhà máy chế biến…

Nguồn lợi thủy sản vùng biển trong tỉnh ngày càng suy giảm nghiêm trọng, trong khi số lượng tàu cá của tỉnh quá nhiều, cơ cấu nghề không hợp lý (tỷ lệ nghề lưới kéo quá cao), thường xuyên hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước, nhiều năm liền không về tỉnh nhà; Địa phương mới quản lý hạn ngạch giấy phép khai thác chứ chưa quản lý hạn ngạch sản lượng khai thác... cũng là những khó khăn mà ngành thủy sản Quảng Ngãi đang đối mặt.

Trước thực tế này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã kiến nghị với Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, để tiếp tục đầu tư hoàn thiện các cảng cá, khu neo đậu trú bão tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và đầu tư mới theo Quyết định số 1976. Đồng thời, sớm công bố ranh giới ngoài của vùng biển Việt Nam để ngư dân biết, không vi phạm và để các cơ quan chức năng làm căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quang-ngai-no-luc-go-the-vang-cua-ec-404837.html