Quảng Ngãi: Nhiều vụ 'lùm xùm'

Trong thời gian dài, dư luận tỉnh Quảng Ngãi bức xúc trước hàng loạt dự án triển khai xây dựng trên đất công viên, quốc phòng và nhiều vụ điều động, bổ nhiệm có dấu hiệu vi phạm

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa kết luận về sai phạm của lãnh đạo đương nhiệm tỉnh Quảng Ngãi "đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật". Trước đó, Báo Người Lao Động có một số bài viết phản ánh những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực nổi cộm ở địa phương này.

Giao đất công gây bức xúc

Điển hình vào đầu năm 2018, dư luận xôn xao trước sự việc một quán cà phê mọc lên trên đất quy hoạch công viên cây xanh tại phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Quán cà phê này sinh ra từ dự án "Công viên cây xanh kết hợp dịch vụ văn hóa, thể thao đa năng", được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận cho Công ty CP Tiến Hưng đầu tư trên khu đất có diện tích hơn 4.500 m2. Dự án có tổng vốn đầu tư 14 tỉ đồng, thời gian hoạt động 49 năm.

Dù được cấp phép đầu tư công viên cây xanh kết hợp với dịch vụ văn hóa, thể thao đa năng; dịch vụ giải khát... nhưng chủ đầu tư kinh doanh cà phê là chính, với những dãy nhà cao tầng xây dựng kiên cố.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động tại thời điểm quán cà phê mới đi vào hoạt động, một lãnh đạo TP Quảng Ngãi cho biết trước đây, khu đất trên được quy hoạch làm công viên cây xanh. Tuy nhiên, do ngân sách thành phố khó khăn nên UBND tỉnh cấp phép Công ty Tiến Hưng đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Cũng liên quan đến chủ trương xã hội hóa đất quy hoạch công viên, tháng 6-2019, Thành phố Giáo dục quốc tế Quảng Ngãi (IEC Quảng Ngãi) đi vào hoạt động thần tốc trên khu đất gần hơn 8,6 ha, ở phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi.

Trước đó, khu đất này được quy hoạch làm công viên. Tuy nhiên, tháng 10-2017, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên khu đất đó cho Công ty TNHH Thành phố Giáo dục quốc tế Quảng Ngãi với vốn trên 1.000 tỉ đồng. Khi dư luận lên tiếng, các sở - ngành, UBND TP Quảng Ngãi mới thừa nhận dự án còn nhiều sai sót, bất cập.

Một vụ việc gây bức xúc khác xảy ra cách đây 2 năm, khi Tập đoàn FLC đến Quảng Ngãi làm dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn với diện tích lên tới hơn 1.200 ha đất ven biển.

Thời điểm đó, để tạo điều kiện cho dự án của FLC, chỉ trong vòng 45 ngày, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã ký 12 công văn hỏa tốc và hàng chục công văn khác để chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho dự án này. Ngoài ra, ông Căng còn "sốt sắng" trình HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho FLC ứng 500 tỉ đồng để nhanh chóng di dời, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Thậm chí, chủ tịch UBND tỉnh này còn ký công văn yêu cầu các cơ quan liên quan tham mưu cho ý kiến dời Đồn biên phòng Bình Hải để nhường đất cho FLC...

Sau khi dư luận lên tiếng, Tập đoàn FLC xin chia dự án trên thành 6 dự án nhỏ tại khu đô thị Vạn Tường gồm sân golf, khách sạn... Kể từ khi khởi công (tháng 6-2019) đến nay, dự án chỉ triển khai nhỏ giọt.

Ngoài ra, còn cả trăm dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị, khách sạn, nhà hàng... được cấp phép xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp, đất quốc phòng như: nhà hàng Light Star (số 1 Ngô Sỹ Liên, TP Quảng Ngãi) được xây dựng trên đất quy hoạch PCCC, khách sạn Đảo Ngọc (Lý Sơn) xây dựng trên một phần đất quốc phòng...

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trao các quyết định về công tác cán bộ ngày 21-9-2018. Ảnh: TỬ TRỰC

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trao các quyết định về công tác cán bộ ngày 21-9-2018. Ảnh: TỬ TRỰC

Những vụ bổ nhiệm tai tiếng

Ngoài những dấu hiệu sai phạm tại hàng loạt dự án đầu tư, sử dụng đất đai..., tỉnh Quảng Ngãi còn "có vấn đề" trong công tác cán bộ, khiến nhiều cán bộ, đảng viên bất bình trong thời gian dài.

Điển hình là trường hợp ông Phan Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2017, ông Hiếu được luân chuyển về làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Hành. Khi thực hiện nhiệm vụ, ông Hiếu phát hiện nhiều sai phạm từ công tác cán bộ đến đầu tư xây dựng cơ bản liên quan đến ông Phan Bình, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành (sau này được xác định có sai phạm khi thanh tra - PV). Những vụ việc này được ông Hiếu đưa ra tại các cuộc họp ở địa phương nhưng đều bị bỏ qua. Sau đó, ông Hiếu báo cáo những việc sai phạm xảy ra ở huyện Nghĩa Hành gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhưng lãnh đạo Tỉnh ủy cũng không chỉ đạo xử lý rốt ráo.

Dư luận tỉnh Quảng Ngãi cũng từng lên tiếng trước những trường hợp cán bộ được ưu ái trong đề bạt, bổ nhiệm. Cụ thể là trường hợp ông Võ Đình Trà, Giám đốc Sở Công Thương, được bổ nhiệm khi không bảo đảm tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn. Hơn nữa, trước khi được bổ nhiệm chức giám đốc Sở Công Thương, trong thời gian giữ chức chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, ông Trà có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực thi nhiệm vụ.

Tương tự là trường hợp ông Trần Em, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Trước khi giữ chức vụ hiện tại, ông Em cũng có nhiều điều tiếng liên quan đến sai phạm tại kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017-2018 do chính ông Em làm chủ tịch hội đồng thi, hay sai phạm tại dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ.

Ngoài ra còn những trường hợp khác như ông Nguyễn Viết Vy, nguyên thư ký của ông Lê Viết Chữ (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi), được điều động làm Bí thư Huyện ủy Lý Sơn khi mới 33 tuổi; ông Nguyễn Văn Huy, nguyên thư ký của ông Trần Ngọc Căng, được bổ nhiệm làm Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh, cũng gây nhiều điều tiếng.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/quang-ngai-nhieu-vu-lum-xum-20200512205459299.htm