Quảng Ngãi: Nhiều di tích, công trình văn hóa bị xâm hại nghiêm trọng

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XII diễn ra ngày 13/7, các đại biểu bày tỏ lo ngại trước tình hình nhiều di tích, công trình văn hóa bị xâm hại nghiêm trọng.

Điển hình là di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Ông bị người dân lấn chiếm xây dựng nhà; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Diệu Giác, di tích Nhà lao Quảng Ngãi, di tích Thành cổ Châu Sa… bị lấn chiếm, chiếm dụng để buôn bán, xây dựng trái phép. Đặc biệt công trình Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng bị người dân lấn chiếm mở quán cà phê, bi da và trò chơi trẻ em... Đây đều là di tích lịch sử quốc gia.

Đối với một số di tích lịch sử cấp tỉnh cũng bị xâm hại với những mức độ khác nhau như di tích Trường Lũy (đoạn qua huyện Đức Phổ, Nghĩa Hành) bị lấn chiếm và hư hại; lấn chiếm đất đai tại di tích thắng cảnh Suối Huy Măng (Sơn Tây); xây dựng trái phép tại khu vực di tích chùa Khánh Vân; lấn chiếm làm nơi buôn bán tại di tích cuộc biểu tình Ba La (thành phố Quảng Ngãi), tình trạng lấn chiếm làm đường tại các di tích chiến thắng Cầu Giác (huyện Đức Phổ)...

Đặc biệt, 12 di tích UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định bảo vệ nhưng hiện bị xâm phạm nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi và phát huy giá trị gồm: Di tích Chiến thắng Trà Nô, di tích Chiến thắng Giá Vụt, di tích vụ thảm sát Thanh Sơn, Địa đạo núi Chà Phun, Địa đạo Lộ Bàn, di tích Thành Bàn Cờ, thắng cảnh Chùa Bà Chú, phế tích Tháp An Tập, di tích Chùa Tịnh Nghiêm Ni Viện, thắng cảnh La Hà Thạch Trận, di tích căn cứ Hòn Ngang và thắng cảnh Suối Huy Măng.

Bên cạnh các di tích bị người dân xâm hại, còn nhiều di tích đang trong tình trạng bị hư hỏng và xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa, tôn tạo. Một số di tích bị thay đổi nguyên trạng, bia ghi nội dung di tích và bảng chỉ dẫn bị khuất lấp không thấy được, một số bia di tích ghi không chuẩn nội dung như nhà lưu niệm đồng chí Trần Quý Hai, chòi canh Suối Loa (Ba Tơ), bia và bảng hướng dẫn di tích chiến thắng Đồn Ngãi (Tây Trà).

Nhiều di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh đã được đầu tư, sửa chữa, tôn tạo nhưng vẫn chưa xứng tầm với giá trị và ý nghĩa của di tích như di tích trụ sở Ủy ban kháng chiến Nam Trung bộ, thắng cảnh núi Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, Thành cổ Châu Sa… Đối với các di tích cấp tỉnh được đầu tư, tôn tạo chỉ ở mức cắm mốc để xác định ranh giới, xây dựng bia, bảng chỉ dẫn. Việc sửa chữa, tôn tạo các di tích, nhất là các di tích cấp tỉnh cũng chỉ thực hiện một phần hay một hạng mục của di tích, mang tính chắp vá nên khi sửa chữa phần này thì phần khác của di tích lại hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa tiếp.

Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhận trách nhiệm người đứng đầu đã để xảy ra những tồn tại hạn chế, đúng như các đại biểu HĐND phản ánh. Theo ông Nguyễn Minh Trí, ngành Thanh tra văn hóa còn yếu, làm chưa tốt trong thời gian qua. Công tác quản lý của ngành Văn hóa đối với các di tích, công trình văn hóa còn hạn chế; một phần do lực lượng cán bộ quá mỏng trong khi đó số lượng di tích, danh lam thắng cảnh thì rất nhiều; kinh phí còn hạn chế.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính thừa nhận những khó khăn, hạn chế mà ngành Văn hóa gặp phải và đề nghị ngành Văn hóa cần rà soát lại các di tích cho đúng với thực tế; xác định các di tích hiện nay có còn đúng với hiện trạng ban đầu không. Từ đó nghiên cứu để xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể; xem xét công trình, di tích nào cần quy hoạch, cần làm hồ sơ công nhận để bảo vệ; di tích nào xuống cấp cần phải đầu tư, trùng tu khẩn cấp để trình UBND tỉnh có phương án giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở.

Sỹ Thắng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/quang-ngai-nhieu-di-tich-cong-trinh-van-hoa-bi-xam-hai-nghiem-trong-20180713143849800.htm