Quảng Ngãi: Nhận chìm 62.000 m3 bùn, cát thải xuống biển Tịnh Khê, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển và xóa sổ khu du lịch Mỹ Khê?

Trong khi dư luận về vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển Bình Thuận chưa lắng, thì ngày 27/10 vừa qua, ông Đặng Văn Minh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký giấy phép (số 63/GPUBND) với nội dung cho phép Tổng công ty Bảo Đảm An toàn Hàng Hải Miền Bắc được nhận chìm cát, sạn sỏi, đá phong hóa, vỏ sò và bùn trầm tích thu được từ hoạt động duy tu nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ năm 2017 xuống biển xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi.

Luồng cảng Sa Kỳ sẽ được nạo vét

Theo đó, khối lượng vật, chất được phép nhận chìm là 62.000 m3, bao gồm 8,8% là bùn và 91,2% là cát, sạn sỏi, đá phong hóa, vỏ sò, thu được từ hoạt động duy tu nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ năm 2017. Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích là 4,97ha, độ sâu lớn nhất âm 24,19 m. Phương tiện nhận chìm là 2 tàu hút bụng tự hành, 6 xà lan chuyên dụng vận chuyển vật liệu nạo vét; nhận chìm theo hình thức mở đáy xả. Thời gian nhận chìm từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018.

Trước việc UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép cho Tổng Công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc được nhận chìm 62.000 m3 cát, sạn sỏi, đá phong hóa, vỏ sò và bùn trầm tích… xuống lòng biển xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Các doanh nghiệp tại khu du lịch Mỹ Khê và nhân dân địa phương không khỏi lo lắng khả năng sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường vùng biển và bãi tắm này. Đây là bãi tắm đẹp nhất và có số lượng người tắm nhiều nhất ở Quảng Ngãi. Các đơn vị kinh doanh du lịch tại Mỹ Khê cho rằng việc nhận chìm bùn, cát xuống khu vực Hòn Bàng Than chắc chắn gây ảnh hưởng đến độ trong của nước biển. Họ lo lắng, khi thay đổi dòng chảy, lớp bùn thải sẽ được đẩy vào bờ, khiến vùng biển ven bờ bị đục. Tất cả những vấn đề này, về lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển du lịch.

Còn người dân thì cho rằng: Lâu nay, ngoài bờ biển Mỹ Khê có dòng hải lưu mạnh nên nhận chìm bùn ở khu vực Hòn Bàng Than khả năng gây hậu quả rất phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân. Nhất là tác động tiêu cực đến nhiều vấn đề, nơi sinh trưởng của các loại thủy hải sản tầng đáy và môi trường biển khu vực. Vì vùng biển Mỹ Khê là nơi sinh sống của rất nhiều loài tôm, cá, mực… vì vậy, khi thay đổi môi trường sẽ gây hại đến nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, khi có bão, lũ sẽ tác động đến toàn bộ khối lượng nhận chìm và làm vẩn đục bờ biển Mỹ Khê, kéo theo nhiều chất bẩn sẽ đẩy vào bờ biển.

Mùa hè trên bãi biển Mỹ Khê

Trao đổi với phóng viên chiều 2/11, ông Nguyễn Quốc Tân – PGĐ Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi giải thích: “Cụ thể, vị trí cho phép nhận chìm nằm ở vùng Hòn Bàng Than, cuối khu vực biển Tịnh Khê về phía Đông Bắc (Cách khu du lịch và bãi tắm Mỹ Khê, xã Tịnh Khê khoảng 2 hải lý – PV). Do đó, không gây bất kỳ ảnh hưởng, tác động gì đến bãi tắm của khu du lịch biển nơi đây”. Cũng theo ông Tân, trước khi tham mưu cho tỉnh cấp phép, Sở TNMT Quảng Ngãi đã tìm hiểu cả vị trí trên bờ nhưng không tìm được khu vực nào. Sau khi xem xét, kiểm tra đối chiếu vị trí trên và nhận thấy vị trí này phù hợp, không gây ảnh hưởng gì.

Trong giấy phép ghi rất rõ và chi tiết các điều khoản mà Tổng công ty Bảo Đảm An toàn Hàng Hải Miền Bắc phải thực hiện, đó là: Phải thực hiện đúng, đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động nạo vét theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Vật, chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tổng Công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc phải nhận chìm vật chất đúng vị trí, khối lượng, thành phần vật chất nhận chìm và một số quy định liên quan trong giấy phép được cấp. Không gây ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái xung quanh khu vực.

Các điều khoản ghi rõ ràng là như vậy, tuy nhiên liệu các đơn vị thi công có thực hiện đúng quy định hay không mới là điều người dân quan tâm. Và việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã nghiên cứu kỹ địa điểm nơi nhận chìm 62.000 m3 cát, sỏi, đá phong hóa, vỏ sò và bùn trầm tích xuống vùng biển Tịnh Khê? Nếu trong quá trình thực hiện nạo vét, nhận chìm làm ảnh hưởng đến môi trường biển Mỹ Khê thì ai là người chịu trách nhiệm?.

Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục theo dõi và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguyễn Đăng Lâm

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/quang-ngai-nhan-chim-62-000-m3-bun-cat-thai-xuong-bien-tinh-khe-nguy-co-anh-huong-den-moi-truong-bien-va-xoa-khu-du-lich-khe/