Quảng Ngãi: Người mang 'thần dược' Atiso đỏ về xứ Quảng

Cây Atiso đỏ hay còn gọi với cái tên dân gian là cây 'bụt giấm', luôn là một loại cây được thiên nhiên lẫn con người ưu đãi, việc trồng Atiso lâu nay chỉ được trồng ở vùng cao Đà Lạt. Tuy nhiên, chị Trịnh Thị Thanh Hà ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã trồng thành công đầu tiên trên đất Quảng Ngãi. Đây là hướng đi mới đầy triển vọng cho loại sản phẩm độc đáo này.

Chị Trịnh Thị Thanh Hà (ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành) đang thu hoạch hoa Atiso

Năm 2014, chị Trịnh Thị Thanh Hà được người quen giới thiệu và gửi về cho chị 2 cây Atiso đỏ để trồng làm dược liệu. Sau một thời gian trồng và tìm hiểu chị đã thấy được hiệu quả mà cây Atiso đỏ mang lại, chị tiếp tục trồng quanh vườn nhà để nhân giống cây và lấy hạt. Sau nhiều năm kiên trì đến năm 2018, chị mở rộng đất trồng với hơn 3 sào cây Atiso đã ra hoa, kết trái, thành công bước đầu đã đến với chị.

Atiso là một cây rất dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều, chủ yếu là phát cỏ cho cây, cây Atiso vẫn thích nghi môi trường khô ráo, khi thời tiết quá nóng thì cần phải tưới nước cho cây để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Bắt đầu xuống giống Atiso từ tháng 2 dương lịch, sau khoảng 3 tháng rưỡi, thu hoạch lứa đầu tiên. Thời gian thu hoạch atiso đỏ kéo dài đến 6 tháng.

Không những hoa mà rễ, lá, thân Atiso đều có nhiều tác dụng đặc biệt của Atiso

Hoa Atiso đỏ hay còn gọi với cái tên dân gian là cây bụt giấm, hoa Atiso đỏ mọc đơn ở nách và gần như không có cuống. Tràng hoa màu tía, hồng hay vàng, đôi khi còn có màu trắng. Quả nang hình trứng, mang đài màu đỏ và có lông thô bao quanh. Là loại cây sống một năm có thân màu tím nhạt cao từ 1.5 đến 2m, phân nhánh ở gần gốc, lá hình trứng có răng cưa quanh mép. Atiso đỏ được coi “thần dược” có rất nhiều tác dụng trong đó phải kế đến tác dụng quan trọng đó là làm mát gan vì nó làm sạch các độc tố trong gan, thải độc cơ thể, bổ thận, không những hoa, mà cả lá, thân atiso đều có nhiều tác dụng tuyệt vời.

Hơn 3 sào Atiso được trồng trên những sào đất cằn cỗi mà vẫn phát triển tốt

Trước đây khi thấy bà con trồng cây gì cũng dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học làm ô nhiễm môi trường và nguy hại trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Thấy vậy chị đã vận động và tha thiết kêu gọi mọi người, nhất là các bác nông dân hãy chung tay hợp sức cứu giúp môi trường sinh thái của chúng ta. “Không phun thuốc diệt cỏ cháy khi làm đất, không dùng bất cứ phân hóa học nào và không xịt thuốc trừ sâu bọ. Nên cày, băm đất phơi khô một thời gian.”- chị Hà chia sẻ.

Atiso được coi “thần dược” chữa trị và ngăn chặn nhiều bệnh

Tâm nguyện của chị là gieo trồng quả Atiso đỏ sạch nhằm để phục vụ cho mọi người và thay thế những thức uống có hóa chất độc hại hoặc làm mứt, làm trà và còn có thể dùng Atiso muối để trường niên là bài thuốc trị cảm, ho và chống viêm khá tốt.

Chỉ tính riêng từ đầu mùa đến nay, với 3 sào atiso đỏ, chị Hà bán trên hai tạ với giá hoa tươi tại vườn. Tùy thời điểm, atiso đỏ có giá trung bình từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, hoa khô làm trà 100.000 đồng/lạng. Ngoài bán tại địa phương, chị Hà còn giới thiệu bán ở các huyện lân cận.

Huỳnh Lệ - Anh Dũng

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/quang-ngai-nguoi-mang-than-duoc-atiso-do-ve-xu-quang-1261891.html