Quảng Ngãi: Người dân bất an vì bờ biển sạt lở mạnh

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 21 điểm sạt lở bờ biển, trong đó có 5 điểm đặc biệt nguy hiểm. Tốc độ sạt lở trung bình 5m/năm...

Hình ảnh những ngôi nhà ven biển bị hư hỏng nặng tại xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Gia Bình

Người dân đối mặt nhiều âu lo

Theo phản ánh của nhiều người dân đang sinh sống ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cứ mỗi mùa mưa bão đi qua, bờ biển trên địa bàn tỉnh lại bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền, đe dọa tính mạng và tài sản. Điển hình như địa bàn xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ), bà con luôn thấp thỏm lo âu vì sóng biển ngày càng gần làng hơn.

Ông Phan Văn Tróc (trú tại xã Phổ Thạnh) cho biết, tuyến bờ kè dọc bờ biển chạy qua địa bàn xã có chiều dài 1,3km được đầu tư xây dựng cách đây đã gần 20 năm. Nhờ tuyến bờ kè này mà đất đai, vườn tược của bà con được bảo vệ. Nhưng hiện nay, tuyến bờ kè đã bị hư hỏng nặng. Năm 2016, chỉ có 300m bờ kè bị hư hỏng thì bây giờ đã là hơn 700m. Không chỉ có vậy, tuyến đường bê tông dọc bờ kè cũng bị sóng biển làm cho “rỗng ruột”, đe dọa hàng trăm nhà dân và các công trình khác. Nếu không có phương pháp khắc phục kịp thời, toàn bộ tuyến bờ kè sẽ biến mất trong nay mai và nhà cửa, ruộng vườn của người dân cũng sẽ bị biển nuốt chửng.

Tương tự xã Phổ Thạnh, tại thôn Khê Tân (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), khu vực sạt lở ven biển hiện chỉ cách khu dân cư sinh sống chừng vài chục mét. Đáng nói hơi, tình trạng xói mòn vào đất liền nơi đây vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khiến người dân sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ.

Liên quan tới vấn đề trên, lãnh đạo UBND xã Tịnh Khê thông tin, mùa mưa lũ năm 2017, do thay đổi dòng chảy, khu vực Cửa Đại (thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Nghĩa An và xã Tịnh Khê) đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ biển với chiều dài 300m, lấn sâu vào đất liền hơn 200m. Hậu quả là 4 nhà dân bị cuốn trôi ra biển, 3ha rừng phòng hộ và 20m đường cống thoát nước tuyến đường bờ đông sông Kinh đi Cửa Đại bị xói lở, cuốn trôi.

Cạnh xã Tịnh Khê, xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) cũng là một điểm nóng về tình trạng sạt lở ven biển. Gần 60 năm gắn bó với làng An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ), ông Phạm Ngọc Thanh là một trong những nhân chứng tận tường những thăng trầm của vùng đất hai phía giáp biển, một phía cạnh sông này. Ông Thanh cho biết, mười mấy năm về trước, sân vận động An Vĩnh và tòa nhà nằm trên sân vận động cách mép nước chừng 500 - 600m. Vậy mà bây giờ, từ tòa nhà bước ra biển, chỉ khoảng 100m là cùng. Biển đã lấn vào đất liền nhanh tới mức không thể tưởng tượng nổi.

Khó khăn ở nguồn vốn

Trước thực trạng đáng báo động trên, chính quyền địa phương và các ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi nhiều năm qua đã rất nỗ lực trong việc đề ra các giải pháp sửa chữa. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ do nguồn vốn eo hẹp, nên các điểm sạt lở chưa được xử lý dứt điểm. Việc đối phó chỉ dừng ở mức tạm thời.

Ví dụ như khu vực kè chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh, sau khi xảy ra sự cố sạt lở, hư hỏng vào năm 2016, UBND huyện Đức Phổ đã trích ngân sách 500 triệu đồng để gia cố một số điểm hư hỏng nặng bằng đá tảng. Theo ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, đây chỉ là biện pháp trước mắt. Về lâu dài phải đầu tư kiên cố một số đoạn trên tuyến kè mới đảm bảo an toàn cho 160 hộ dân và các công trình lân cận. Tuy nhiên, ngân sách địa phương không thể đáp ứng, nên huyện đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khẩn cấp để khắc phục.

Ở một điểm nóng khác về tình trạng sạt lở ven biển là thôn An Cường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), dù được nhận định là đặc biệt nguy hiểm, nhưng do kinh phí có hạn, nên tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ đầu tư xây dựng đoạn kè dài khoảng 200m. Còn ở điểm sạt lở thuộc thôn Phước Thiện (xã Bình Hải) thì đến nay, sau gần 10 năm kể từ ngày hàng chục ngôi nhà ở Phước Thiện bị triều cường đánh sập, người dân nơi đây vẫn phải sống chung với sạt lở, vì chưa được xây dựng kè.

Dự án đê Phổ Minh (huyện Đức Phổ) cũng không nằm ngoài tình trạng trên khi phải thi công cầm chừng vì nguồn vốn bố trí chậm. Được biết, đê Phổ Minh có tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) 80 tỷ đồng, có nhiệm vụ phòng tránh những bất lợi từ biển, đảm bảo an toàn cho người dân xã Phổ Minh và các vùng lân cận. Dự án tuy đã được triển khai thực hiện từ năm 2016, nhưng đến thời điểm này, ngân sách chỉ bố trí gần 30 tỷ đồng.

Trước tình trạng thiếu vốn để đầu tư cho các công trình chống sạt lở, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ gần 5.000 tỷ đồng để đầu tư, xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông.

Ông Từ Văn Tám, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Ngãi chia sẻ, trước mắt, UBND tỉnh hỗ trợ 570 tỷ đồng để đầu tư, xử lý, khắc phục các điểm sạt lở, bồi lấp đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Bên cạnh, việc ưu tiên triển khai các công trình tại điểm nóng, Quảng Ngãi rất mong cấp trên quan tâm, bố trí nguồn vốn kịp thời, để công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Gia Bình

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/quang-ngai-nguoi-dan-bat-an-vi-bo-bien-sat-lo-manh-20181002090051765.htm