Quảng Ngãi liên tục có hoạt động rèn năng lực an toàn thông tin mạng

Quảng Ngãi liên tục có những hoạt động như diễn tập an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT, hay tập huấn an toàn thông tin cho cán bộ cấp huyện, cấp xã...

Thời gian trở lại đây, Quảng Ngãi là một trong những địa phương có nhiều hoạt động diễn tập, tập huấn an toàn thông tin nhất. Như mới đây trong tháng 10, Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) tỉnh Quảng Ngãi tổ chức diễn tập ứng cứu, phòng chống sự cố an toàn thông tin cho các thành viên Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, chuyên trách CNTT của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Theo Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi, diễn tập ứng cứu và phòng chống sự cố về an toàn thông tin nhằm tăng khả năng chống lại các tấn công từ bên trong và bên ngoài vào hạ tầng CNTT; trang bị kiến thức chuyên sâu về quản trị, bảo mật hệ thống, sử dụng các giải pháp, ứng dụng, thiết bị an toàn thông tin, hạn chế tối đa các nguy cơ về an toàn thông tin.

Buổi diễn tập ứng cứu, phòng chống sự cố an toàn thông tin ở Quảng Ngãi thực hiện giả lập các trường hợp tấn công và phòng thủ có chủ đích giữa nhóm tấn công và nhóm phòng thủ.

Trong đó nhóm tấn công thực hiện các cuộc tấn công để xâm nhập, phá hoại các mục tiêu khác nhau như tấn công web, mã độc quét hệ thống nội bộ, giả mạo thư điện tử, tấn công từ chối dịch vụ, mã độc tống tiền và mã độc tiền ảo. Ngược lại nhóm phòng thủ sử dụng các phương thức để chống sự cố nhằm bảo đảm an toàn về thông tin.

Trước đó không lâu Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phối hợp với UBND huyện Tư Nghĩa tổ chức tập huấn về an toàn an ninh thông tin cho hơn 40 công chức, viên chức các phòng ban và UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Tư Nghĩa.

Trong buổi tập huấn này, ông Quan Minh Tâm, chuyên viên kỹ thuật an toàn thông tin của Công ty cổ phần tư vấn và đào tạo công nghệ Việt Nam đã truyền đạt kiến thức cơ bản cho các học viên về an toàn thông tin; bảo vệ máy tính khỏi phần mềm độc hại và tin tặc, bảo vệ thông tin từ các mối đe dọa, duy trì và bảo vệ tài khoản cá nhân, bảo vệ các thông tin, dữ liệu nhạy cảm.

Bên cạnh đó các học viên cũng được truyền đạt kiến thức sử dụng thư điện tử an toàn, bảo vệ thông tin, dữ liệu khi sử dụng các trang web, mạng xã hội và công cụ chat thông qua Internet, nguy cơ từ các thiết bị lưu trữ ngoài, sử dụng mạng không dây và cách phòng tránh, sử dụng thiết bị di động một cách an toàn; các kỹ thuật tấn công cơ bản trên mạng và các giải pháp phòng chống cơ bản...

Hay như cuối năm ngoái, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lớp tập huấn về an ninh mạng cho hơn 60 cán bộ chuyên trách và quản lý an toàn an ninh thông tin các sở, ban, ngành và UBND, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố trong tỉnh.

Nội dung của lớp tập huấn là nhận biết các phương thức tấn công mạng phổ biến hiện nay; phương thức đảm bảo an toàn cho thiết bị và tài khoản cá nhân cũng như cách nhận diện thiết bị, tài khoản bị hacker tấn công.

Lớp tập huấn cũng chỉ dẫn phương pháp kiểm tra tài khoản bị lộ mật khẩu, thông tin cá nhân; những điều cần lưu ý trong quá trình sử dụng các thiết bị và các tài khoản nhằm bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng; cách xử lý và khắc phục sự cố khi bị hacker tấn công…

Quảng Ngãi liên tục có những hoạt động như diễn tập an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT, hay tập huấn an toàn thông tin cho cán bộ cấp huyện, cấp xã... (ảnh minh họa)

Nhìn chung những đợt tập huấn thường xuyên ở Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực an toàn thông tin trong bối cảnh nguy cơ mất an toàn thông tin luôn rất cao. Trong buổi diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng khu vực ASEAN - ACID 2018 ngày 5/9, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT đã đưa ra nhiều thống kê đáng lo ngại.

Theo đó, Việt Nam luôn đứng đầu về nguy cơ an toàn thông tin mạng. Việt Nam đứng thứ 5 trong top 10 quốc gia bị tấn công DDoS nhiều nhất trong quý IV/2017. Và với 637.395 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính ma (botnet), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng botnet.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, các trang/cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tấn công với tần suất rất lớn. Thống kê của VNCERT cho thấy, trong năm ngoái hệ thống giám sát của Trung tâm ghi nhận có 13.382 sự cố tấn công mạng vào các website của Việt Nam, trong đó có 5.215 sự cố cài mã độc (malware); 4.155 sự cố tấn công thay đổi giao diện trang web (deface); số sự cố tấn công lừa đảo (phishing) là 2.101 sự cố.

Riêng trong 8 tháng đầu năm 2018, VNCERT ghi nhận có tổng cộng 6.567 sự cố tấn công vào các trang web của Việt Nam với cả 3 loại hình malware, deface và phishing. Trong đó, số sự cố deface nhiều hơn cả, lên tới 3.818 sự cố; tiếp đó phishing với 1.800 sự cố; số sự cố tấn công malware là 949 sự cố.

Số liệu thống kê của Trung tâm VNCERT cũng cho hay, các trang web có kiểu tên miền .name.vn bị tấn công nhiều nhất, chiếm tới 44,07%; tiếp đó là các website có kiểu tên miền .com.vn với 36,58%; edu.vn chiếm 9,45% và đặc biệt tỷ lệ trang web có kiểu tên miền .gov.vn bị tấn công mạng chiếm 4,72% tổng số các sự cố tấn công vào các website của Việt Nam.

Và cũng từ số liệu thống kê từ hệ thống giám sát của VNCERT, ông Nguyễn Trọng Đường cho biết, loại hình tấn công được tin tặc sử dụng nhiều nhất là tấn công thu thập thông tin, chiếm tới 70%. Bên cạnh đó, còn phải kể đến các loại hình tấn công khác cũng được tin tặc sử dụng nhiều như tấn công chiếm quyền điều khiển, tấn công mã độc và tấn công ứng dụng web.

H.A.H

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/bao-mat/quang-ngai-lien-tuc-co-hoat-dong-ren-nang-luc-an-toan-thong-tin-mang-174635.ict