Quảng Ngãi: Lập biên bản vụ đập phá trại ong do sợ lây lan COVID-19

Không chỉ đập phá, dùng thuốc xịt côn trùng để tiêu diệt ong, một số đối tượng còn dùng cả đất, đá để tấn công chủ trại ong ở huyện Minh Long trong đêm tối.

Anh Sơn, chủ trại ong dọn dẹp hiện trường, thu gom những trại ong còn sót lại. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Anh Sơn, chủ trại ong dọn dẹp hiện trường, thu gom những trại ong còn sót lại. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Không chỉ đập phá, dùng thuốc xịt côn trùng để tiêu diệt ong, một số đối tượng còn dùng cả đất, đá để tấn công chủ trại ong trong đêm tối.

Sự việc trên xảy ra với anh Võ Thanh Sơn ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) trong hai đêm 31/3 và 2/4.

Tại hiện trường, nhiều thùng ong bị phá hỏng, trong đó, hơn 30 thùng bị hư hại hoàn toàn.

Vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng trên, anh Sơn cho biết: "Những kẻ phá hoại lợi dụng đêm tối để khó bị phát hiện. Đêm đầu tiên họ bất ngờ ập vào đập phá số lượng lớn thùng ong, khiến tôi không kịp trở tay."

Anh Sơn tưởng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. Nhưng đêm thứ hai, khi anh đang ngồi nói chuyện với hàng xóm thì nhóm người đó lại xông vào, tiếp tục đập phá và dùng thuốc xịt cho ong chết.

"Thậm chí, họ còn đuổi đánh, hăm dọa và dùng đất, đá ném chúng tôi. May là mọi người chạy thoát nếu không thì chẳng biết hậu quả sẽ như thế nào," anh Sơn nói.

Vợ chồng anh Sơn đã nuôi ong tại xã Long Sơn được 5 năm nay, chăm chỉ làm ăn và không hề có hiềm khích gì với ai.

“Chúng tôi di cư khoảng 300 thùng ong về đây để lấy mật trước ngày có Chỉ thị của Thủ tướng và thực hiện tốt việc khai báo y tế với địa phương. Bởi, Quảng Ngãi chỉ thích hợp nuôi ong vào mùa khô, còn mùa mưa phải cho đàn vào trong Nam để tránh lũ”- anh Sơn nói.

Sự việc trên đã gây thiệt hại lớn đối với chủ trại ong, ước tính lên tới hơn 100 triệu đồng và mùa mật năm nay trại ong sẽ mất khoảng 10 tấn mật.

Anh Sơn là một trong những hộ liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Na Ni trong việc nuôi và sản xuất mật ong sạch, an toàn.

Ông Nguyễn Hữu Thế, chủ doanh nghiệp này cho biết nếu sự việc này tiếp diễn, không chỉ người nuôi bị ảnh hưởng mà ngay cả doanh nghiệp cũng lao đao khi không có nguồn nguyên liệu chính để sản xuất ra các sản phẩm từ mật phục vụ người tiêu dùng. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm sạch thì không thể mua và sử dụng các nguyên liệu không đảm bảo chất lượng.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Long Sơn Võ Văn Gấm cho biết nguyên nhân chính của sự việc là do người dân địa phương lo sợ bị lây nhiễm dịch COVID-19 vì thấy trại ong này từ nơi khác về. Lãnh đạo xã đã chỉ đạo lực lượng Công an xuống kiểm tra hiện trường, lập biên bản đồng thời, đề nghị Trưởng thôn Sơn Châu vận động bà con hết sức bình tĩnh, tránh để xảy ra trường hợp tương tự.

"Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần của anh Sơn khi thực hiện khai báo y tế trung thực theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch. Trước đó, xã cũng đã tuyên truyền, vận động chủ hộ nuôi di dời đàn ong đi nơi khác một thời gian, sau dịch quay về lại nhưng anh Sơn không chấp hành. Xã cũng khẳng định là không có chuyện ngăn cấm mà vẫn ủng hộ, tạo điều kiện tối đa cho các hộ nuôi ong hoạt động tại địa phương"- ông Gấm khẳng định.

Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi đã đưa ra kết luận, ong mật chỉ ăn hạt phấn thừa trên bông lúa, hút dịch mật tiết ra từ nách lá non cây keo, chưa ghi nhận chúng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng. Ong mật hoàn toàn không lây lan dịch bệnh…

Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã gửi văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trong cả nước tăng cường bảo vệ đàn ong tại các điểm đặt nuôi./.

Vĩnh Trọng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quang-ngai-lap-bien-ban-vu-dap-pha-trai-ong-do-so-lay-lan-covid19/632716.vnp