Quảng Ngãi: Khử khuẩn môi trường, phòng bệnh sau lũ

Bão số 9 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, khiến 12 nghìn nhà dân cùng với giếng nước sinh hoạt, công trình vệ sinh bị ngập lụt, nguy cơ cao bị ô nhiễm. Sau khi nước lũ rút, ngành y tế đã tích cực triển khai khử khuẩn giếng nước, xử lý môi trường, phòng bệnh sau lũ.

Gần 4 nghìn giếng nước ở Nghĩa Hành bị ngập

Hai ngày sau khi bão số 9 đi qua, nước lũ cũng dần rút, bà Đỗ Thị Liễu ở thôn Phú Vinh Đông tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Điều bà lo lắng nhất là giếng nước sinh hoạt của gia đình cũng bị nước lũ tràn vào, gây ô nhiễm. Tuy nhiên, nỗi lo ấy sớm được giải quyết khi cán bộ y tế đến tận nhà hướng dẫn cách khử khuẩn nguồn nước.

“Trong thôn có mấy chục cái giếng đào, giếng khoang đều ngập hết. Cái đêm bão vừa tan nước lụt lên tới gần 1m. Nên giờ trong thôn ai cũng lo không có nước sạch để uống. May nhờ có hóa chất khử khuẩn được trạm Y tế cấp kịp thời nên bà con khá yên tâm”- bà Liễu chia sẻ.

Nhiều giếng nước bị ngập nặng sau bão số 9

Gia đình ông Nguyễn Văn Yên- hàng xóm của bà Liễu vì đóng giếng khoan, điện vẫn chưa có trở lại nên cũng phải qua xin tạm nước ở các giếng khơi gần nhà để dùng. “Bão đi qua, nước lụt tới rồi kéo theo nguy cơ ô nhiễm nước, môi trường và dịch bệnh. Giờ chưa có điện nên đâu có nước để dùng, chúng tôi phải hoàn toàn phụ thuộc vào các giếng khơi trong xóm”- ông Yên nói.

Sau bão số 9, nước lũ tiếp tục dâng cao gây ngập toàn bộ khu vực vùng trũng của huyện Nghĩa Hành khiến gần 4.000 giếng nước, trên 4.000 công trình vệ sinh bị ngập nên không có nước sạch để sử dụng. Đây là địa phương có số lượng giếng nước bị ngập nhiều nhất Quảng Ngãi.

Với phương châm nước rút đến đâu tập trung xử lí môi trường đến đó, ngành Y tế huyện đã huy động tổng lực ở các xã, thị trấn để xử lí các giếng nước, công trình vệ sinh bị ngập lũ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến- Trưởng Trạm Y tế thị trấn Chợ Chùa cho biết: Trên địa bàn thị trấn có khoảng 1.200 giếng nước bị ngập lụt. Nước lũ vừa rút thì chúng tôi huy động y tế thôn đi khảo sát và mang theo hóa chất khử khuẩn để đảm bảo nguồn nước sạch cho bà con sử dụng. Hiện đã cấp khoảng 10kg Cloramin B, hơn 1.500 viên Aquatab khử khuẩn nguồn nước. 100% giếng nước ở thị trấn đã được làm sạch.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân khử khuẩn giếng nước

Với hơn 8 nghìn giếng nước và công trình vệ sinh bị ngập lụt, nguy cơ phát sinh dịch bệnh sau lũ vô cùng cao ở Nghĩa Hành. Do đó, Trung tâm Y tế huyện đã khẩn trương cấp trên 100 kg Cloramin B, 120 kg Clorin và 18 nghìn viên Aquatab để người dân khử khuẩn, đảm bảo an toàn về nguồn nước và môi trường sau lũ.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành cho biết: Tính đến nay, việc khử khuẩn môi trường, xử lí giếng nước và công trình vệ sinh bị ngập đã hoàn thành trên 95%. Ngành Y tế địa phương vẫn đang tiếp tục xử lí môi trường sau lũ, cố gắng sẽ hoàn thành chậm nhất là một ngày nữa, nhằm tránh phát sinh các dịch bệnh sau lũ.

Tập trung xử lý môi trường sau lũ

Đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có 12 nghìn ngôi nhà, 10 ngàn giếng nước và hố xí bị ngập trong lũ. Mưa lũ đã làm sinh hoạt của nhiều nhà dân bị đảo lộn hoàn toàn, nhưng điều người dân lo lắng hơn cả vẫn là nguồn nước uống.

Để đảm bảo người dân không thiếu nước sinh hoạt và dịch bệnh không phát sinh sau mưa lũ, cán bộ y tế thôn đã đến tận nhà để hướng dẫn cách xử lí môi trường. Đặc biệt, ưu tiên trước mắt là xử lí nguồn nước tại giếng khơi bằng cách: Khử khuẩn giếng khơi bằng hóa chất Cloramin B; xử lý môi trường trên tất cả các địa bàn bị ngập lụt. Hiện toàn tỉnh đã hoàn thành việc xử lí môi trường trên 90% các giếng nước bị ngập trong lũ.

Ông Phạm Minh Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho hay: Chúng tôi đã chỉ đạo các trạm y tế phường, xã theo dõi bám sát các hộ dân ở các khu vực ngập lụt để hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt. Trung tâm y tế phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc xử lý, đảm bảo các dịch bệnh thường phát sinh sau lũ như: Đau mắt đỏ, bệnh về da, bệnh về tiêu hóa… không tấn công người dân.

Ngoài việc khử khuẩn đảm bảo nguồn nước sạch cho bà con sử dụng sau lũ, ngành y tế còn tuyên truyền người dân vệ sinh nhà cửa, ăn chín uống sôi để phòng các bệnh truyền nhiễm

“Đặc biệt, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng, nhất là sau lũ. Nên sau khi nước lũ rút hoàn toàn, chúng tôi cũng chỉ đạo các trạm cơ sở tiến hành hướng dẫn bà con diệt lăng quăng, bọ gậy. Với những vùng nguy cơ cao bùng phát dịch, đã có ca bệnh thì sẽ cho phun hóa chất diệt muỗi.”- ông Đức nhấn mạnh.

Ngoài việc tập trung khử khuẩn nguồn nước, môi trường, ngành Y tế cũng tổ chức tuyên truyền khuyến cáo người dân chủ động lau dọn nhà cửa, thực hiện ăn chín uống sôi để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ.

Bài, ảnh: Thiên Vương

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2033/202011/quang-ngai-khu-khuan-moi-truong-phong-benh-sau-lu-3028733/