Quảng Ngãi khơi thông, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển

Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi xác định là năm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển đồng hành cùng doanh nghiệp; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đổi mới, sáng tạo, khơi thông và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

.

.

Sản xuất công nghiệp tăng 200 lần

Năm 2009, khi Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất đi vào hoạt động, đã tạo bước đột phá và giữ vai trò chủ lực ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 116.223 tỷ đồng, gấp gần 200 lần so với năm đầu tái lập tỉnh cách đây 30 năm (1989) với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 20%/năm.

Đến nay, ngành công nghiệp tại Quảng Ngãi đã hình thành một số sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: các sản phẩm xăng, dầu, hạt nhựa của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các sản phẩm siêu trường, siêu trọng như lò hơi, thiết bị nâng hạ, hệ thống khử nước mặn của Doosan Vina; các thiết bị điện của GE, sản phẩm điện tử… ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, còn xuất khẩu đi gần 20 nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi như sữa đậu nành Vinasoy, đường, nước khoáng Thạch Bích, bánh kẹo Bicafun, các sản phẩm chế biến thủy sản, may mặc, tinh bột mì, dăm gỗ, vật liệu xây dựng, giày da, sợi bông… sản lượng ngày một tăng cao và tiêu thụ rộng rãi, phổ biến ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất với vốn đầu tư 54.000 tỷ đồng, công suất 4 triệu tấn sản phẩm/năm. Dự án này sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ cho tỉnh trong những năm tới. Dự kiến, sau khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, dự án trên sẽ đem lại doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Đặc biệt, sau khi nhà máy hoạt động hết công suất sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh 4.000 tỷ đồng mỗi năm.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, đến thời điểm hiện nay, Quảng Ngãi đang dần vươn mình phát triển mạnh mẽ, từng bước hiện đại và năng động. Trong đó đầu tàu vẫn là TP. Quảng Ngãi với hàng loạt dự án đã làm thay đổi bộ mặt của đô thị như: Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao - Bệnh viện Đa khoa tỉnh , Thành phố giáo dục và y tế của Tập đoàn Nguyễn Hoàng; Dự án trung tâm thương mại VinCom của Tập đoàn VinGroup… Nhiều khu dân cư mới khang trang, đồng bộ, hiện đại hình thành như Khu đô thị - dịch vụ VSIP, Khu đô thị Ngọc Bảo Viên, Khu dân cư Bắc Lê Lợi, An Phú Sinh, Khu dân cư Nam thị trấn Châu Ổ...

Với sự hiện diện của những dự án kinh tế lớn như Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh với tổng kinh phí 2.000 tỷ đồng, Dự án cầu Cửa Đại có kinh phí 2.250 tỷ đồng và Dự án Đập dâng sông Trà Khúc với tổng mức đầu tư là 1.500 tỷ đồng cùng nhiều dự án khác, sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy Quảng Ngãi phát triển hơn nữa trong tương lai không xa.

Đất lành cho nhà đầu tư

Một điểm sáng của ngành công nghiệp Quảng Ngãi trong thời gian qua, đó là việc tiếp đón nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai các dự án công nghiệp có quy mô lớn như: Tập đoàn Exxon Mobil với dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đăng ký đầu tư dự án Nhà máy điện khí Dung Quất và Tập đoàn Sojitz và Chiyoda (Nhật Bản) đăng ký đầu tư sản xuất Methanol (khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh); Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đến khảo sát đầu tư nhà máy sản xuất ô tô.

Một số nhà đầu tư Hàn Quốc như Công ty TNHH Hyundai Engineering xúc tiến triển khai dự án Nhà máy cung cấp hơi nước, Tập đoàn Hyosung khảo sát đầu tư Nhà máy sản xuất sợi steelcord (vật liệu gia cường lốp xe) và Tập đoàn Doobon xúc tiến kế hoạch triển khai dự án Nhà máy sản xuất và kinh doanh chất phụ gia cho ngành lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Dung Quất...

Mới đây, VSIP Quảng Ngãi đã đón nhận dòng vốn đầu tư mới đến từ Bỉ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ với tổng vốn đầu tư 321 triệu USD. Các dự án đầu tư mới nằm trong nhóm ngành công nghệ cao, như dự án Nhà máy sản xuất sợi thép bện của Bekaert Việt Nam (Bỉ); nhà máy sản xuất và chế biến nệm của Gesin Việt Nam (Hàn Quốc); nhà máy sản xuất trang thiết bị nội thất Happy (Singapore); dự án sản xuất tròng mắt kính Hoya Lens Việt Nam (Nhật Bản).

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng cho biết, mỗi năm, Quảng Ngãi thu hút hàng trăm lượt nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và rất nhiều trong số đó đã chọn VSIP Quảng Ngãi làm nơi phát triển sản xuất lâu dài. Đồng thời, nơi đây cũng trở thành điểm nhấn quan trọng, là gạch nối hiệu quả giữa Khu kinh tế Dung Quất và TP. Quảng Ngãi, đang được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thuận tiện để phục vụ cho doanh nghiệp nhằm thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước chuẩn bị về hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp. Mức tăng trưởng GRDP năm 2018 của tỉnh tăng 9,6% so với năm 2017, đây là mức tăng trưởng cao, minh chứng cho sự phát triển đúng hướng của Quảng Ngãi khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 29.594 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quang-ngai-khoi-thong-huy-dong-nguon-luc-cho-dau-tu-phat-trien-d103114.html