Quảng Ngãi: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh

– Sáng 4/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở VH-TT-DL tỉnh tổ chức họp báo cáo tiến độ thực hiện hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO xem xét về việc xây dựng công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Lý Sơn-Sa Huỳnh.

>>> Khách du lịch ra Côn Đảo ngang nhiên bẻ san hô mang về

>>> Báo động đỏ: Nhiệt độ đại dương tăng cao kỷ lục năm 2018

Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh hoàn toàn có tiềm năng trở thành công viên địa chất toàn cầu

Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh hoàn toàn có tiềm năng trở thành công viên địa chất toàn cầu

Theo kế hoạch, cuối năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO xem xét về việc xây dựng công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Lý Sơn-Sa Huỳnh. Nếu được công nhận, CVĐC toàn cầu Lý Sơn-Sa Huỳnh không chỉ có giá trị là di sản nhân loại mà còn là tiền đề để TP Quảng Ngãi phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế xã hội. Thế nhưng để hoàn thiện hồ sơ cũng như những điều kiện trình UNESCO thì những phần việc UBND tỉnh cần làm hiện nay còn khá nhiều.

Theo đó, số lộ trình khảo sát địa chất 160 hành trình, 1.130 điểm, dọn sạch vết lộ 270m3, lấy 189 mẫu lát mỏng, 100 mẫu địa hóa, 69 mẫu giã đãi, 15 nhật ký, có 173 di sản địa chất – địa mạo.

Theo ông Nguyễn Minh Trí – Giám đốc Sở VH-TT-DL, kế hoạch hành động từ tháng 4/2019, BQL Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh cần thành lập, kiện toàn BQL để quản lý đội ngũ cán bộ, đủ thẩm quyền để đưa ra toàn bộ các quyết định liên quan đến cơ sở văn hóa, cơ sở hạ tầng trong phạm vi công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, xây dựng phù hợp, đồng bộ theo mẫu.

BQL Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh kiến nghị UBND tỉnh thành lập BQL chuyên trách ít nhất là 7 cán bộ, có chức năng nhiệm vụ rõ ràng đủ năng lực về lĩnh vực địa chất – địa mạo, văn hóa, phát triển cộng đồng, truyền thông đối ngoại… đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển công viên.

Thực hiện ký kết các dự án thành phần với Viện Địa chất và khoáng sản về điều tra bổ sung các di sản, tiến hành các chiến dịch truyền thống, hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, khoanh vùng bảo tồn di sản, lập kế hoạch quản lý và dịch toàn bộ hồ sơ sang tiếng Anh.

Đối với 87 điểm nằm trong 4 tuyến tham quan du lịch Quảng Ngãi – Dung Quất, Quảng Ngãi – Sa Huỳnh, Quảng Ngãi – Trà Bồng và đảo Lý Sơn, cần triển khai các cơ sở vật chất gồm trung tâm thông tin, nhà trưng bày, bảng thuyết minh, bãi đỗ xe, tài liệu truyền thông.

Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, ban đầu được thành lập có tổng diện tích hơn 100 km2, gồm đảo Lý Sơn và vùng phụ cận ven bờ thuộc các xã Bình Châu, Bình Hải, H. Bình Sơn. Về sau, chương trình được mở rộng nghiên cứu ra các khu vực lân cận phức hệ thung lũng miền núi (Quảng Ngãi – Trà Bồng), duyên hải (Quảng Ngãi – Sa Huỳnh) và phức hệ biển đảo (Quảng Ngãi – Lý Sơn).

Tuy nhiên, ngay từ những lần đầu tiên đi khảo sát khu vực CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh, không ít chuyên gia quốc tế bày tỏ sự e ngại trước thực trạng rác thải tràn lan do phát triển du lịch.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch CVĐC vào đầu tháng 3 vừa qua, ông Guy Martini-Chuyên gia tư vấn quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã đưa ra 10 khuyến nghị với tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, trong đó ông đề nghị tỉnh Quảng Ngãi phải xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách đầy đủ năng lực, có chủ trương, chính sách rõ ràng, nguồn kinh phí đảm bảo, xử lý triệt để vấn đề bảo vệ môi trường, phổ biến kiến thức về CVĐC cho người dân trong tỉnh… Những vấn đề này cần đảm bảo giải quyết rốt ráo trước khi hoàn thiện và trình hồ sơ cho UNESCO vào tháng 11-2019.

Ngoài những “cánh báo” của ông Martini về vấn đề rác thải thì việc mở rộng diện tích CVĐC lên đến 4.600 km2 bao gồm nhiều giá trị di sản đa dạng phong phú về địa chất, văn hóa, lịch sử, cảnh quan sẽ đưa lại khả năng được UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu cao hơn. Tuy nhiên các nhà khoa học lo ngại môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp nằm trong diện tích này sẽ dễ phá hỏng CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh. Theo quy hoạch chung, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh xây dựng Khu kinh tế Dung Quất rộng hơn 435 km2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cho rằng, việc xây dựng công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh không chỉ để có danh hiệu, mà đây là mô hình phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững trong tương lai, vì vậy UBND tỉnh rất quyết tâm trong việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO. “Thời gian gấp rút, ngoài hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO, các hoạt động khác như truyền thông, triển khai các tour, tuyến du lịch, xây dựng quan hệ đối tác… cũng đang được đẩy mạnh triển khai. Quan trọng nhất là phải tuyên truyền tới người dân ý thức được vai trò trách nhiệm của mình, đồng lòng với chính quyền địa phương nâng tầm giá trị của CVĐC này”, ông Dũng cho biết.

Quỳnh Trang (t/h)

Nguồn MT&CS: https://moitruong.net.vn/quang-ngai-khan-truong-hoan-thien-ho-so-cong-vien-dia-chat-ly-son-sa-huynh/