Quảng Ngãi hỗ trợ gần 8 tỷ đồng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn

Tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Vườn cà-phê của một già làng ở huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TÚ QUYÊN

Vườn cà-phê của một già làng ở huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TÚ QUYÊN

Tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Dự án có tổng vốn gần tám tỷ đồng, trích từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Theo đó, từ nay đến năm 2020, dự án hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn với diện tích 507 ha. Phương thức thực hiện quy trình là tỉa thưa, điều chỉnh mật độ, kéo dài thời gian nuôi dưỡng rừng và được khai thác sau 10 năm tuổi đối với cây mọc nhanh. Dự án còn hỗ trợ kinh phí thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh chuyển hóa rừng với mức năm triệu đồng/ha; hỗ trợ tiền bảo vệ rừng khoảng 300.000 đồng/ha/năm trong thời kỳ chuyển hóa. Dự án cũng hỗ trợ trồng cây phân tán là cây gỗ nguy cấp, quý hiếm với quy mô 70.000 cây với mức hỗ trợ 40.000 đồng/cây. Đồng thời, sử dụng 10% số tiền hỗ trợ để chuẩn bị cây giống theo kế hoạch năm và cấp đủ tiền còn lại sau khi nghiệm thu. Chủ rừng tham gia dự án được vay bình quân 15 triệu đồng/ha với lãi suất bình quân 10%/năm. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 8,8%/năm, chủ rừng chịu 1,2%/năm.

* Nhiều năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Kon Tum được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội các xã vùng sâu, vùng xa. Trong giai đoạn 2016 - 2018, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí 1.324 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các huyện nghèo, xã nghèo của tỉnh đã chủ động nâng cấp, cải thiện hạ tầng, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học. Cùng với tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, không phát rừng làm nương rẫy, các địa phương hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, làm chuồng trại, hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng mô hình chuồng trâu, bò bền vững; hỗ trợ máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất cho hơn 20.490 lượt hộ nghèo; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Cuối năm 2018, toàn tỉnh Kon Tum đã có 18 trong số 86 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 23,03% vào năm 2016 xuống còn 17,29% vào năm 2018.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/40290802-quang-ngai-ho-tro-gan-8-ty-dong-trong-rung-nguyen-lieu-go-lon.html