Quảng Ngãi: Đối thoại về chính sách pháp luật an toàn, vệ sinh lao động cho 150 DN

Trong 2 ngày 16 và 17/12, Sở LĐ–TB&XH tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ LĐ–TB&XH) tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp hoạt động trong trên địa bàn tỉnh và Khu Kinh tế Dung Quất cùng các Khu công nghiệp Quảng Ngãi chuyên đề 'Chính sách pháp luật an toàn, vệ sinh lao động' năm 2018.

Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn, Bộ LĐ-B&XH và các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chủ trì cuộc đối thoại.

Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn, Bộ LĐ–TB&XH (phải) và Ông Lương Kim Sơn, GĐ sở LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Quảng Ngãi chủ trì cuộc đối thoại.

Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn, Bộ LĐ–TB&XH (phải) và Ông Lương Kim Sơn, GĐ sở LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Quảng Ngãi chủ trì cuộc đối thoại.

Đối tượng tham gia tại buổi đối thoại gồm chủ sử dụng lao động; cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; đại diện ban chấp hành công đoàn của gần 150 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp ở Bình Sơn.

Tại buổi đối thoại, Cục An toàn lao động và Sở LĐ–TB&XH tỉnh Quảng Ngãi tập huấn một số nội dung các quy định từ Nghị định 140/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước các quy định về an toàn lao động. Thông tư số 13/2016 của Bộ LĐ–TB&XH về Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Đại diện phụ trách ATVSLĐ của Cty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn nêu ra những thắc mắc tại cuộc đối thoại.

Trong phần đối thoại, các doanh nghiệp đã đề cập đến một số vấn đề như: Cần có cơ chế cho những nhà thầu để được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh lao động; chứng chỉ nghề đối với một số vị trí trong quá trình lao động; tai nạn lao động đối với một số trường hợp khi đi xe máy đến nơi làm việc vì hiện nay có một số doanh nghiệp sử dụng xe buýt. Như vậy có được xác định tai nạn lao động hay không; cần linh động khi giải quyết những hồ sơ về tai nạn lao động khi quy định từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại.

Các doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại tại KKT Dung Quất.

Có rất nhiều vấn đề vướng mắc đã được nêu ra tại buổi đối thoại nhưng chưa có các văn bản quy định cụ thể. Doanh nghiệp mong muốn Bộ LĐ–TB&XH cần có những điều chỉnh hợp lý để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Về phía Cục An toàn lao động cũng giải thích những vấn đề mà doanh nghiệp nêu tại cuộc đối thoại. Những câu hỏi còn vướng mắc, Cục An toàn lao động sẽ tổng hợp gửi về Bộ LĐ–TB&XH để có điều chỉnh hợp lý.

Ông Lương Kim Sơn, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, qua đó tổng hợp, đánh giá để có những kiến nghị cụ thể gửi lên Bộ LĐ-TB&XH. "Tùy theo từng hợp, Sở sẽ đề nghị Cục An toàn lao động trả lời, hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp tại buổi đối thoại, những trường hợp cần có sự xem xét quyết định của các cấp cao hơn Sở sẽ làm tờ trình đề nghị trả lời trong thời gian sớm nhất. Về phía doanh nghiệp cũng cần tuân thủ những yêu cầu của pháp luật, nếu vướng mắc chỗ nào thì cần có văn bản báo cáo về Sở LĐ-TB&XH để có hướng xử lý, vừa đảm bào quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia lao động cũng như quản lý lao động", ông Lương Kim Sơn nhấn mạnh.

Đông Hải

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quang-ngai-doi-thoai-ve-chinh-sach-phap-luat-an-toan-ve-sinh-lao-dong-cho-150-dn-d87394.html