Quảng Ngãi: Dân thấp thỏm vì sạt lở bờ sông, ven biển

Gần 200 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển đe dọa tính mạng và tài sản của hàng nghìn hộ dân nhưng hiện nhiều địa phương ở Quảng Ngãi vẫn chưa có giải pháp căn cơ chống sạt lở vì thiếu kinh phí.

Sống thấp thỏm với sạt lở
Hơn 50 năm sống ở xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi), ông Phạm Trí chưa bao giờ chứng kiến sóng biển dữ dằn, tàn phá đến vậy. “Khoảng 5 năm trở lại đây, sạt lở đã nuốt hàng trăm hecta đất của người dân và rừng dương chắn sóng ra biển. Cứ đến mùa mưa lũ, người dân lại mất ăn mất ngủ vì lo sợ nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi ra biển”, ông Trí nói.

Gần 200 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển đang cần xử lý, khắc phục

Gần 200 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển đang cần xử lý, khắc phục

Không chỉ ông Trí, nhiều người dân thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê đang phải sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu khi bờ biển bị sạt lở chỉ cách khu dân cư 50m và ngày càng “ngoạm” sâu vào đất liền. Cuối năm 2017, do thay đổi dòng chảy, khu vực Cửa Đại giữa xã Nghĩa An và xã Tịnh Khê đã xảy ra sạt lở bờ biển, với chiều dài 300m, lấn sâu vào đất liền hơn 200m.

Tại xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ), ngư dân làng chài Thạnh Đức 1 cũng đứng ngồi không yên” vì tuyến kè chắn sóng dọc bãi biển bị sóng đánh hư hỏng nghiêm trọng, đe dọa hàng trăm nhà dân. Nỗi lo mất đất sản xuất, mất nhà cửa và đe dọa an toàn tính mạng luôn thường trực với mỗi người dân sống dọc bãi biển này, nhất là vào mùa mưa bão.

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 21 điểm sạt lở bờ biển, trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 5 điểm, sạt lở nguy hiểm có 16 điểm. Tốc độ sạt lở trung bình khoảng 5m/năm, một số điểm sạt lở có tốc độ nhanh hơn (10 - 15m/năm) như thôn Khê Tân (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), thôn Lệ Thủy (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn), các thôn Phước Thiện, An Cường, Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn)…

Sạt lở bờ sông, ven biển tại Quảng Ngãi đang diễn ra hết sức nghiêm trọng

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 152 điểm sạt lở bờ sông, trong đó có 3 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 102 điểm sạt lở nguy hiểm và 47 điểm sạt lở bình thường.
Cần đầu tư ngay các công trình khẩn cấp
Ông Bùi Đức Thái - Trưởng phòng Quản lý thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, với đặc trưng địa hình sông ngòi của tỉnh là ngắn, độ dốc lớn nên vào mùa mưa, dòng chảy có cường độ mạnh, gây lũ lớn, làm cho bờ sông, bờ biển hằng năm bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, kinh phí để xử lý sạt lở rất lớn, nằm ngoài khả năng của địa phương nên phải ưu tiên một số vị trí cấp bách, đặc biệt nguy hiểm, còn lại đều phải chờ vốn.
Từ năm 2008 đến nay, mới chỉ có 37 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển ở tỉnh Quảng Ngãi đã và đang triển khai đầu tư, với tổng chiều dài kè khoảng 44km, chưa bằng 1/5 tổng chiều dài bờ sông, bờ biển bị sạt lở.

Hàng nghìn hộ dân ở Quảng Ngãi đang sống trong tâm trạng thấp thỏm

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi Tổng cục Phòng chống thiên tai về rà soát, đề xuất các danh mục hỗ trợ khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển nguy hiểm và bồi lấp cửa sông nghiêm trọng. Trong đó, có 4 khu vực khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển đặc biệt nghiêm trọng gồm: Bờ Bắc Cửa Đại (Khu dân cư thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi); kè chống sạt lở bờ biển thôn Lệ Thủy (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn); kè Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ); kè chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện và thôn An Cường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn).
Trong lúc chờ kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, hàng nghìn người dân ven sông, ven biển tỉnh Quảng Ngãi vẫn phải thấp thỏm sống với nỗi lo về tính mạng và tài sản khi phải cận kề bên miệng “hà bá” vào mùa mưa lũ năm nay.

NGHIÊM HÀ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quang-ngai-dan-thap-thom-vi-sat-lo-bo-song-ven-bien-331561.html