Quảng Ngãi: Bảo tồn cua đá đảo Lý Sơn

Trước thực trạng cua đá ngày càng suy giảm nghiêm trọng, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực triển khai hoạt động bảo tồn loài cua vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa có hiệu quả kinh tế cao này. Mục tiêu của việc bảo tồn cua đá nhằm hướng đến giữ gìn môi trường sinh sống cho loài cua, phát triển số lượng để khai thác bền vững phục vụ phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Khu vực bảo tồn cua đá ở đảo Bé, Lý Sơn. Ảnh: Hữu Danh

Khu vực bảo tồn cua đá ở đảo Bé, Lý Sơn. Ảnh: Hữu Danh

Cua đá còn được người dân đảo Lý Sơn gọi là cua dẹp hay cua đỏ. Loài cua này có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người dân địa phương ưa dùng. Trước đây, cua đá trên đảo khá nhiều, tuy nhiên, do gia tăng về dân số và du khách ra đảo Lý Sơn tăng cao nên người dân ráo riết săn lùng loài cua này để phục vụ cho nhu cầu du lịch. Hoạt động khai thác tràn lan khiến số lượng cua đá suy giảm trên 80%. Phân tích thêm về các tác nhân khiến cua đá suy giảm, ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết, ngoài gia tăng về dân số và khách du lịch ra đảo, thì việc đô thị hóa và quy trình canh tác nông nghiệp lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên đảo trong thời gian qua đã làm cho môi trường sống của cua bị thu hẹp. Để cua phát triển nhanh hơn thì phải tạo môi trường tự nhiên, hạn chế việc phá vỡ môi trường sinh sống của cua như hang, hốc đá ven bờ biển.

Xuất phát từ yêu cầu bảo tồn cua đá, huyện Lý Sơn đã xây dựng dự án bảo tồn loài cua này dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang. Kế hoạch được thực hiện bắt đầu từ tháng 9-2020 đến tháng 4-2021. Tổng vốn thực hiện dự án 92 triệu đồng. Khu vực bảo tồn cua đá được thực hiện trên diện tích 500m2 tại chân núi lửa Hòn Đụn ở đảo Bé, Lý Sơn. Gần 3.000 con giống, mỗi cá thể có trọng lượng từ 30 – 50 gram được thả nuôi trong khu bảo tồn. Cua được tạo môi trường sinh sống tự nhiên như hang, hốc đá và môi trường sinh sản. Cơ quan chức năng huyện Lý Sơn đã phối hợp với người dân để cung cấp thức ăn, theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cua, đồng thời, trông coi nhằm nghiêm cấm các hành vi khai thác cua dưới mọi hình thức.

Việc bảo tồn cua đá được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng khai thác, tiêu thụ cua tràn lan trên đảo, qua đó, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn loài cua quý hiếm này. Người dân sẽ nhận thấy được lợi ích lâu dài và tự giác tham gia công tác bảo tồn cua với chính quyền địa phương. Do đó, dự án bảo tồn cua đá không chỉ lưu giữ được nguồn cua ngoài tự nhiên mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân. Anh Bùi Văn Thiện, một người dân đảo Bé, Lý Sơn chia sẻ: “Trước đây cua đá nhiều vô kể, trời chạng vạng tối, chỉ cần cầm đèn pin đến các chân núi, hang hốc đá là có thể bắt cua dễ dàng. Bây giờ, dù trời mưa cũng khó tìm được cua, nếu không bảo tồn kịp thời, e rằng sẽ không còn cua nữa. Hy vọng dự án bảo tồn loài cua này sẽ được thực hiện hiệu quả để người dân chúng tôi được hưởng lợi lâu dài”.

Hiện, cơ quan chức năng huyện Lý Sơn đang tích cực tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia vào công tác bảo tồn và khai thác cua đá bền vững. Trước mắt là hướng dẫn người dân phương pháp, kỹ thuật bảo tồn cua khoa học để cua có cơ hội sinh sôi, phát triển nhanh hơn trong tự nhiên, đồng thời, hướng người dân đến việc khai thác cua đá phục vụ phát triển kinh tế một cách bền vững. Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn cho biết, sau khi cua được thả ra tự nhiên thì trung tâm sẽ có giải pháp giúp cho người dân tự bảo tồn, đồng thời hướng dẫn họ khai thác cua đúng quy trình, đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn cua trên đảo mà vẫn cung ứng nguồn thực phẩm cho du lịch địa phương.

Theo ông Trung, để bảo tồn và phát triển loài cua đá bền vững, trước tiên phải tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên khai thác những cá thể cua không đủ tiêu chuẩn về kích cỡ, cũng như không nên khai thác những cá thể cua mang trứng. Thời gian sinh sản của cua kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm nên thời gian này người dân không nên khai thác cua để bán cho du khách cũng như làm thực phẩm trong gia đình.

“Song song với việc tuyên truyền cho người dân, cơ quan thẩm quyền cũng phải ban hành các văn bản, chế tài để răn đe các hành vi khai thác cua không hợp lý nhằm duy trì được nguồn giống ngoài tự nhiên cũng như đem lại sinh kế bền vững cho người dân” - Ông Trung nhấn mạnh.

www.bienphong.com.vn

Hữu Danh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/quang-ngai-bao-ton-cua-da-dao-ly-son-124549.html