Quảng Nam: Xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh

Ngày 22/11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo 'Xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và định hướng phát triển kinh tế số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam'.

Hội thảo “Xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và định hướng phát triển kinh tế số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ các bộ, ban ngành Trung ương, các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương.

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo có tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ các bộ, ban ngành Trung ương, các sở, ban, ngành…

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra thời cơ và vận hội mới cho sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển đô thị thông minh là xu hướng của các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Nhiệm vụ này đã và đang được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo quyết liệt với những quan điểm, mục tiêu triển khai rất cụ thể. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4, khẳng định quan điểm chỉ đạo của Đảng, đó là: chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển KT - XH.

Đến nay, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các cấp, các ngành quan tâm, chủ động đầu tư hạ tầng CNTT, nhiều hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung được đầu tư, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, góp phần phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của cơ quan nhà nước và nhu cầu nắm bắt thông tin, thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân. Tỉnh cũng đã triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ các hệ thống ứng dụng CNTT của tỉnh với Bộ ngành Trung ương, bước đầu đạt được một số kết quả.

Đối với nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, hiện UBND tỉnh cũng đã có chủ trương đề nghị tổ chức KOICA Hàn Quốc hỗ trợ, chọn thành phố Tam Kỳ triển khai thí điểm theo Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2020 - 2025, để từ đó làm cơ sở cho Quảng Nam trong tổ chức thực hiện phát triển đô thị thông minh trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận chung trong chương trình, Hội thảo tập trung giới thiệu về tinh thần Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư” và giải pháp định hướng triển khai Nghị quyết, khuyến nghị với chính quyền địa phương; thảo luận dự thảo Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 – 2025; Lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh - mối liên hệ phân cấp và phối hợp giữa các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương; Kinh nghiệm của Ngân hàng Thế giới trong hỗ trợ các nước xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh; An toàn – an ninh thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trong thời kỳ CMCN 4.0… thông qua các phát biểu của lãnh đạo đến từ các Bộ, ban ngành Trung ương.

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết này, trọng tâm là đầu tư tương xứng điều kiện hạ tầng CNTT phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh; thực hiện hoàn thành việc xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và kết nôi các hệ thống ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở và kết nối với các hệ thống của Bộ ngành; nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng CNTT, chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu đã triển khai,góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp trong các cơ quan nhà nước của tỉnh; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ hiện thực hóa Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam.

Hải Yến

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/quang-nam-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu-do-thi-thong-minh-post31926.html