Quảng Nam: Tìm giải pháp đột phá phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030

Sáng ngày 25/12, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị 'Cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021- 2030' nhằm tìm ra những giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới, với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà khoa học.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề trong cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030; khuyến nghị đối với tỉnh trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; chính sách an sinh xã hội gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế;…

Với xuất phát điểm thấp, kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, hạ tầng chậm phát triển, với tỷ lệ hộ nghèo lên đến 24,18%, đến nay Quảng Nam nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền Trung với trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất cả nước đang được định hình, tiềm năng du lịch được khai thác tốt. Là một trong số ít các địa phương từ một tỉnh phải nhận ngân sách trợ cấp thường xuyên chuyển thành tự cân đối ngân sách.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho hay, trong thời gian vừa qua kinh tế Quảng Nam đã có những chuyển biến rõ nét, nhưng liệu có phù hợp với giai đoạn sắp tới là vấn đề được đặt ra.

Hội nghị nhằm tìm ra những giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà khoa học

Hội nghị nhằm tìm ra những giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà khoa học

“Cả nước đang bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng, đặc biệt là kỷ nguyên 4.0 của nền kinh tế số, xã hội số đã tác động rất nhanh và toàn diện đến mọi ngành mọi lĩnh vực do đó cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Nam phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình sắp tới” - ông Thanh cho biết thêm.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho hay, thời gian qua Quảng Nam tuy có nhiều bước phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng nhảy vọt của ngành kinh tế trong thời gian ngắn chưa củng cố được các nền tảng kinh tế. Ngoài ra, Khu kinh tế mở Chu Lại hội tụ đủ mọi điều kiện để trở thành một đặc khu kinh tế nhưng đang bị chững lại. Đây cũng là thực trạng chung của các KCN còn lại của Quảng Nam. Đồng thời, việc bố trí các dự án thương mại - dịch vụ, phát triển đô thị của tỉnh Quảng Nam có nhiều bất cập.

Với mục tiêu định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến sĩ Trần Du Lịch đề nghị, Quảng Nam cần phát huy tối đa các thế mạnh của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, trong đó chú ý phát triển ngành dịch vụ để trở thành ngành kinh tế quan trọng, dẫn dắt các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, trong lĩnh vực thu hút đầu tư, cần xây dựng các con sếu đầu đàn, tích cực đi mời gọi doanh nghiệp

“Đặc biệt, trong lĩnh vực thu hút đầu tư, cần xây dựng các con sếu đầu đàn, tích cực đi mời gọi. Ưu tiên ba lĩnh vực đột phá gồm: Đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đột phá về khoa học công nghệ” - ông Lịch nhấn mạnh.

Phát triển ngành công nghiệp là hướng đi thế mạnh của tỉnh Quảng Nam với vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Theo ông Lê Nguyên Thành - Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương cho hay, trong quá trình phát triển, công nghiệp tỉnh Quảng Nam rất cần sự phối hợp với các địa phương trong vùng nhằm hạn chế tình trạng cục bộ, đầu tư chồng chéo, cạnh tranh không cần thiết, làm triệt tiêu bộ lực phát triển của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tại hội nghị, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - mong muốn, với sự tham dự đông đủ của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các chuyên gia đầu ngành cùng thảo luận tìm ra một hướng đi phù hợp cho những bước phát triển mới của tỉnh Quảng Nam.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-nam-tim-giai-phap-dot-pha-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-giai-doan-2021-2030-130572.html