Quảng Nam tìm giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2030

Sáng 25-12, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030 với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà khoa học.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề trong cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030; khuyến nghị đối với tỉnh trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; chính sách an sinh xã hội gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế;…

Quảng Nam có vị trí chiến lược và quan trọng, nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia về đường bộ, đường sắt Bắc Nam và đường biển; nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là điểm kết nối ngắn nhất từ các tỉnh Nam Lào, đông bắc Thái Lan, Campuchia đến vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và biển Đông Việt Nam, thông thương quốc tế thông qua cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu chào mừng hội nghị.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu chào mừng hội nghị.

Quảng Nam sở hữu 2 Di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, có đường bờ biển dài 125km, ven biển có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng cùng cụm đảo ven bờ với hệ sinh thái phong phú được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới…

Từ một tỉnh nghèo, đời sống đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, đến nay Quảng Nam nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền Trung; là một trong số ít các địa phương từ một tỉnh phải nhận trợ cấp ngân sách thường xuyên chuyển thành tự cân đối ngân sách và điều tiết về Trung ương.

Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trước Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều vấn đề thách thức trong quá trình phát triển.

Nền kinh tế phát triển nhanh và không ổn định, những nỗ lực thực hiện các đột phá về mặt chiến lược, công cuộc xây dựng nông thôn mới, những tác động tiêu cực của thiên tai, quá trình biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự dịch chuyển các dòng đầu tư toàn cầu đã tạo nên những yêu cầu mới, khó khăn hơn về mặt quản trị nguồn lực và tư duy quản lý nền kinh tế của tỉnh.

TS Trần Du Lịch cho rằng một trong những vấn đề hiện hữu trong mô hình phát triển của tỉnh Quảng Nam là hiệu quả phát triển vùng Đông chưa có tác động lan tỏa đáng kể đến vùng Tây Quảng Nam. Do đó, cần có chính sách kết nối sự lan tỏa phát triển để thúc đẩy vùng Tây Quảng Nam cùng phát triển với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam.

Công nghiệp là trụ cột kinh tế của tỉnh Quảng Nam, nếu không tận dụng cơ hội đổi mới khoa học công nghệ sẽ làm nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam tụt hậu nhanh chóng.

Mục tiêu phát triển của tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 là đạt mức GRDP bình quân 9.100 USD/ người, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 10,5%/ năm.

Để thực hiện được mục tiêu mới này, Quảng Nam cần phát huy tối đa các thế mạnh của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, trong đó chú ý phát triển ngành dịch vụ để trở thành ngành kinh tế quan trọng, dẫn dắt các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Đông đảo nhà quản lý, nhà khoa học tham dự hội nghị.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thu hút đầu tư, Quảng Nam cần xây dựng các “con sếu đầu đàn”; ưu tiên 3 lĩnh vực đột phá gồm đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đột phá về khoa học - công nghệ.

Trong định hướng phát triển, Quảng Nam cần có định hướng quy hoạch hợp lý cho mô hình đô thị sân bay và mở rộng cảng hàng không Chu Lai, xem đó như là lợi thế so sánh cạnh tranh. Đây là cơ hộ lớn để liên kết chặt chẽ vùng Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi trong quá trình phát triển.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quang-nam-tim-giai-phap-co-cau-lai-nen-kinh-te-giai-doan-2021-2030-575438/