Quảng Nam: Thủy điện được hay mất?

Tỉnh Quảng Nam hiện có 44 dự án thủy điện, chưa biết các thủy điện đóng góp ngân sách như thế nào, nhưng trên thực tế thủy điện đang để lại những hệ lụy xấu.Mùa nắng khống chế nước gây khô hạn, mùa mưa ồ ạt xả nước khiến lũ chồng lũ gây chết người, thiệt hại hoa màu, nhà cửa cho vùng hạ du rộng lớn của Quảng Nam. Gánh nặng thiên tai thường trực ám ảnh, nay người dân gánh thêm nhân tai.

Hàng trăm ngàn héc ta đất nông nghiệp thiếu nước.

Với địa hình có độ dốc lớn, nhiều sông suối, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam có tiềm năng lớn về thủy điện. Trên hệ thống sông sông Vu Gia - Thu Bồn, hiện có không dưới 44 dự án thủy điện đã được triển khai. Quảng Nam từng trải thảm đỏ mời các doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện và thủy điện Đắk Mi4 tại huyện Phước Sơn là một trong những dự án như vậy.

Hàng triệu mét khối nước của sông Đắk Mi bị thủy điện khống chế chuyển sang sông Thu Bồn, khiến sông Đắk Mi trở thành dòng sông chết.

Năm 2007, thủy điện Đắk Mi4 chặn dòng sông Đắk Mi, tích hơn 500 triệu mét khối nước để phát điện. Theo quy trình vận hành liên hồ chứa của Chính phủ, mùa khô thủy điện Đắk Mi4 phải xả nước về sông Đắk Mi với lưu lượng 25m3/s. Tuy nhiên trên thực tế, thay vì phải trả nước lại sông Đắk Mi theo quy định, thủy điện này lại dẫn nước sang sông Thu Bồn để tiếp tục phát cho 3 thủy điện bậc thang khác. Vậy là hàng triệu mét khối nước của sông Đắk Mi bị thủy điện khống chế chuyển sang sông Thu Bồn, khiến sông Đắk Mi trở thành dòng sông chết.

Nước trên sông Đắk Mi bị không chế, hậu quả là người dân vùng hạ du thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, Đà Nẵng đang phải đối mặt với hiện tượng xâm nhập mặt của hệ thống sông Vu Gia gây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Có năm, nguồn nước của nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) bị nhiễm mặn suốt 10 tháng. Riêng 2 tháng gần đây, nguồn nước liên tục bị nhiễm mặn, có lúc độ mặn gấp 7 lần mức quy chuẩn cho phép. Chưa bao giờ, người dân Đà Nẵng gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt như hiện nay.

Con số 300 ngàn héc ta đất nông nghiệp thiếu nước, đất đai bỏ hoang chưa phải là con số cuối cùng.

Ông Hồ Hương, TGĐ Công ty CP cấp nước Đà Nẵng cho rằng: “Giải quyết vấn đề này, mấu chốt nằm ở các hồ thủy điện phải vận hành theo đúng quy định của Chính phủ. Duy trì lượng nước đổ về sông Cầu Đỏ thường xuyên thì mới bảo đảm được nước sinh hoạt cho thành phố”.

Sông cạn kiệt, khiến cả một vùng đồng bằng rộng lớn của Quảng Nam điêu đứng, hàng vạn nông dân canh tác 2 bên sông Vu Gia thiếu nước để sản xuất. Con số 300 ngàn héc ta đất nông nghiệp thiếu nước, đất đai bỏ hoang chưa phải là con số cuối cùng. Thiệt hại về kinh tế do thiếu nước sản xuất của nông dân huyện Đại Lộc là chưa thể thống kê, trong khi đó kinh phí chi cho việc chống hạn liên tục tăng.

Kinh hoàng khi thủy điện đồng loạt xả lũ

Mỗi khi mùa mưa bão tới, mặt trái của thủy điện càng bộc lộ rõ hơn. Hàng chục thủy điện trên thượng nguồn đồng loạt xả nước vào 2 hệ thống sông Thu Bồn và Vu Gia khiến cả một vùng đồng bằng rộng lớn của tỉnh Quảng Nam ngập sâu trong nước. Riêng thủy điện Đắk Mi4, mùa khô khống chế nước sông Đắk Mi, nhưng mùa lũ hàng triệu mét khối nước từ lòng hồ thủy điện này đổ dồn về sông Đắk Mi gây ra những trận lũ kinh hoàng trong thời gian qua. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2017, thiên tai lũ lụt đã gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Nam hơn 1.600 tỷ đồng, làm chết 39 người.

Nguồn nước của nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) bị nhiễm mặn, có lúc độ mặn gấp 7 lần mức quy chuẩn cho phép.

Điển hình vào tháng 9 năm 2016, thủy điện sông Bung 2 ở huyện Nam Giang vỡ hầm dẫn dòng, 26 triệu mét khối nước ầm ầm tuôn ra tương đương 1/10 dung tích của hồ sông Bung 2, nhưng cũng đã tạo ra cơn lũ kinh hoàng nhấn chìm nhiều ngôi làng thuộc xã La Êê và xã Zuôih. Hàng ngàn người dân ở hạ du như huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An hoảng sợ sơ tán ngay trong đêm.

Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, Quảng Nam cho biết: “Thủy điện trên địa bạn huyện nhiều quá. Những bất cập mà chúng tôi thấy đó là, thủy điện thu hẹp đất sản xuất của người dân, ảnh hưởng xấu đến môi trường và đặt biệt là ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt…”

Thủy điện sông Bung 2 ở huyện Nam Giang vỡ hầm dẫn dòng nhấn chìm nhiều ngôi làng thuộc xã La Êê và xã Zuôih.

Ở ngay cạnh các công trình thủy điện, người dân địa phương cũng không khá hơn vùng hạ du. Việc ngăn đập tích nước đã khiến hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp và cả những ngôi làng của nông dân đã sinh sống gắn bố nhiều năm cũng bị nhấn chìm trong biển nước.

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: “Chúng ta nóng vội phát triển thủy điện nên thời gian đầu chúng ta gặp nhiều bất cập. Chính vì vậy nên đã để lại những hệ quả lâu dài, đến bây giờ vẫn phải khắc phục. Tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành rà soát lại các thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giảm thủy điện lại, không phát triển thêm trong thời gian tới”.

Hàng chục thủy điện trên thượng nguồn đồng loạt xả lũ, khiến cả một vùng đồng bằng rộng lớn của tỉnh Quảng Nam ngập sâu trong nước.

Mặc dù lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhận định như vậy, nhưng trên thực tế nhiều thủy điện vẫn đang và sẽ mọc lên ở các huyện miền núi của tỉnh này. Đó là chưa kể một số nhà đầu tư đang xin chủ trương xây thêm thủy điện nhỏ và vừa, đó thực sự là thêm một nỗi lo. Nỗi lo ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi trong những năm trở lại đây, khi các thủy điện đi vào hoạt động thiệt hại do hạn hán, lũ lụt mà thủy điện gây ra cho người dân Quảng Nam vẫn chưa thể thống kê hết và chưa biết khi nào sẽ dừng lại.

Ngọc Khánh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/quang-nam-thuy-dien-duoc-hay-mat-1258350.html