Quảng Nam: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy

Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh trước mùa nắng nóng đang đến, tỉnh Quảng Nam vừa có Văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và hưởng ứng thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh do Bộ Công an phát động từ ngày 15/4 đến ngày 15/10.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ năm 2020 đến nay trên địa tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 31 vụ cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Điển hình là vụ cháy xảy ra ngày 07/11/2020 tại một nhà dân ở thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My làm chết 02 người, vụ cháy xảy ra ngày 20/01/2020 tại nhà ở kết hợp kinh doanh tạp hóa của ông Lê Vĩnh Cường ở thôn Hòa Bình, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên gây thiệt hại 02 tỷ đồng…

Nguyên nhân gây cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng về người chủ yếu là do người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn. Do sơ suất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, do hệ thống điện trong nhà ở, khu vực sản xuất kinh doanh kết hợp nhà ở không bảo đảm; các nhà bị cháy hầu hết thuộc dạng nhà ống, chỉ có duy nhất một lối thoát nạn hoặc chứa nhiều vật liệu dễ cháy, không đảm bảo điều kiện để thoát nạn, không trang bị hoặc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) không phù hợp.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để kiểm tra an toàn về PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Tập trung kiểm tra điều kiện an toàn PCCC trong sử dụng điện, hóa chất, việc quản lý và sử dụng an toàn chất cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt, đường và lối thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, nguồn nước phục vụ chữa cháy… Lập biên bản chỉ rõ những vi phạm quy định về PCCC và CNCH tại hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kết hợp sản xuất, kinh doanh và yêu cầu các hộ gia đình ký cam kết để tổ chức khắc phục các tồn tại, vi phạm quy định về PCCC và CNCH sau kiểm tra.

Vận động, khuyến khích người dân tình nguyện tham gia công tác PCCC và CNCH. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các mô hình tự quản, mô hình liên gia, liên cơ quan, liên khu vực trong bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó chỉ đạo các cấp thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCCC trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các hộ gia đình, khu dân cư; tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Thí điểm giao nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Ghi rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ khi xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, nhất là các vụ việc phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.

Thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia; hằng năm tổ chức diễn tập ít nhất 01 phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia ở quy mô cấp tỉnh.

Nguyễn Nam

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-nam-tang-cuong-cong-tac-phong-chay-chua-chay-305209.html