Quảng Nam quyết tâm 'cứu biển'

Hàng trăm tấn rác thải bốc mùi nồng nặc nằm dọc theo bãi biển là hình ảnh thực tế đang diễn ra tại các xã ven biển của tỉnh Quảng Nam.

Hàng trăm tấn rác thải bốc mùi nồng nặc nằm dọc theo bãi biển là hình ảnh thực tế đang diễn ra tại các xã ven biển của tỉnh Quảng Nam.

Lực lượng vũ trang tham gia tổng vệ sinh bãi biển Thuận An, khu vực chợ và dọc kè thuộc xã đảo Tam Hải.

Lực lượng vũ trang tham gia tổng vệ sinh bãi biển Thuận An, khu vực chợ và dọc kè thuộc xã đảo Tam Hải.

Rác thải bủa vây

Những ngày này, đi dọc bờ biển Quảng Nam từ H. Núi Thành đến bờ biển TX Điện Bàn không khó để nhận thấy rác thải tràn lan trên bến, dưới nước, chủ yếu là các loại bao ni lông, chai nhựa… Từ bãi biển du lịch đến các cảng cá, rác thải hiển nhiên có mặt ở khắp mọi nơi. Ngoài sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân thì hạn chế trong công tác thu gom rác thải ven biển cũng đã khiến nhiều vùng ven biển của tỉnh Quảng Nam đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng.

Nhắc đến ô nhiễm rác thải thì cái tên bến An Lương (xã Duy Hải, H. Duy Xuyên) luôn được nhắc đến đầu tiên bởi cảng cá này nằm ở gần khu dân cư đông đúc lại thường xuyên có du khách từ Hội An ghé thăm. Ngoài ra, xã Duy Hải hiện nay có hơn 2 ngàn hộ với khoảng 8 ngàn nhân khẩu, cộng với lượng công nhân xây dựng các nơi đến làm việc cho dự án Nam Hội An khoảng 2.000 người khiến lượng rác thải ra mỗi ngày rất lớn. Cuối năm 2018 xã Duy Hải bị “đòi nợ” hơn 100 triệu đồng tiền thu gom rác trong sự lúng túng, bất lực của chính quyền địa phương. Sau một thời gian tích cực vận động nhân dân giải quyết số nợ trên hiện nay tình hình xử lý rác thải ở Duy Hải vẫn chỉ cầm chừng do chỉ có khoảng 60% số hộ chịu nộp tiền rác, số còn lại vẫn “khất”. Trong cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên cho biết để có thể thu hồi số nợ rác, chính quyền xã phải bố trí phân công 5 tổ tiến hành họp dân tại 5 thôn trên địa bàn, vận động người dân nộp tiền rác 20.000 đồng/tháng, đối với những gia đình khó khăn thì được xem xét miễn giảm. Mặc dù số tiền rác nộp mỗi tháng hiện nay không nhiều nhưng người dân vẫn chây ì việc đóng phí là bởi tư tưởng ỷ lại, thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Cứ như thế, dù chính quyền địa phương vận động nhiều lần nhưng người dân vẫn lén lút vứt rác ra nơi công cộng hoặc bãi biển, cảng cá, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.

Cùng chung “cảnh ngộ”, xã ven biển Tam Hải (H. Núi Thành) cũng vướng phải bài toán rác thải chưa thể giải. Là hòn đảo nhỏ xinh đẹp, cư dân không nhiều nhưng bãi biển Tam Hải lại nằm cuối con sông Trường Giang đổ ra biển nên trở thành nơi hứng rác của đất liền. Bao nhiêu rác ở các xã ven biển của TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành theo dòng nước trôi về, tấp vào ven bờ sông Trường Giang ở xã Tam Hải. Bên cạnh đó, cửa biển Tam Hải cũng là nơi neo đậu tàu thuyền của nhiều ngư dân các tỉnh lân cận. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến đồ hộp, nhựa, bao ni-lông của ngư dân đi biển bị vứt bừa bãi không thể nào kiểm soát được. Thông tin từ UBND xã Tam Hải cho biết hiện khối lượng rác thải tại xã đảo Tam Hải rất lớn, rác sinh hoạt của người dân khoảng 3,2 tấn/ngày, rác từ biển theo sóng đẩy vào Cửa Lở và cửa An Hòa khoảng 0,5 - 1 tấn/ngày. Trong khi đó vì nằm cách biệt với đất liền nên xã chưa thể tổ chức thu gom, vận chuyển đi nơi khác.

Ra quân làm sạch biển

Trước tình hình rác thải đe dọa vùng ven biển Quảng Nam, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, UBND huyện Núi Thành vừa triển khai thực hiện kế hoạch tổng vệ sinh bãi biển Thuận An, khu vực chợ và dọc kè thuộc xã đảo Tam Hải. Kết quả qua 4 đợt ra quân với 1.149 người thuộc các đơn vị: Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Đoàn kinh tế quốc phòng 516, Cảnh sát biển Vùng 2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, Tỉnh đoàn… đã thu gom, vận chuyển, xử lý được hơn 109 tấn rác thải.

Chị Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam cho biết, hưởng ứng phong trào "Hãy làm sạch biển - Nói không với rác thải nhựa" tại Quảng Nam, thời gian vừa qua, chương trình ra quân làm sạch biển được triển khai tại các địa phương ven biển như Hội An, Tam Kỳ, Thăng Bình, đặc biệt là tại các bãi biển ô nhiễm nặng nề ở huyện Duy Xuyên và Núi Thành. Với các hoạt động cao điểm như chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh chiến dịch đã mang lại hiệu quả tích cực góp phần nâng cao ý thức của người dân và trả lại màu xanh cho biển, hàng trăm tấn rác đã được thu gom xử lý.

Nói về tình trạng ô nhiễm rác thải ở bãi biển Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết năm 2019 tỉnh Quảng Nam có nhiều chương trình hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Bên cạnh việc kêu gọi các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cộng đồng hãy cùng hành động trong việc giảm thiểu những chất độc hại ra môi trường, cùng thể hiện trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh thì chúng ta cũng cần lan tỏa và truyền cảm hứng hướng tới bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đại dương. Bởi đây chính là những “sứ giả” của hoạt động bảo vệ môi trường. Ông Thanh cũng cho biết thêm trong khuôn khổ hội thảo “Du lịch không rác thải nhựa” được tổ chức mới đây tại TP Hội An, ngành du lịch Quảng Nam đã ký kết chương trình hành động hướng đến du lịch không rác thải nhựa. Đây là sẽ tiền đề cho những hoạt động xuyên suốt về bảo vệ môi trường trong thời gian tới không chỉ về phía người dân mà còn có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_213020_quang-nam-quyet-tam-cuu-bien-.aspx