Quảng Nam: Quyết không để dịch chồng dịch

TS.Bs Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho rằng, hiện tại dịch Covid-19 ở Quảng Nam đã được kiểm soát và đang tăng cường chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết (SXH).

Cảnh giác với SXH

Vấn đề nêu trên, mới đây tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB), công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh: Các đơn vị y tế cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải thực hiện mục tiêu kép - chủ động phòng, chống dịch Covid-19 đồng thời làm tốt các công tác PCDB khác, tuyệt đối không để dịch chồng dịch.

Người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường và diệt bọ gậy.

Người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường và diệt bọ gậy.

Theo đó, các đơn vị phải có biện pháp duy trì, nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng (TCMR), xóa vùng lõm trong tiêm chủng; đề xuất giải pháp nâng cao công tác PCDB.

Ở Quảng Nam tính từ ngày 14 đến ngày 20/9 đã ghi nhận 73 ca mắc SXH. Qua giám sát CDC đã phát hiện thêm 1 ổ dịch mới, 4 ca mắc tại thành phố Hội An. Hiện tại, Quảng Nam còn 7 ổ dịch cũ tại Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phước Sơn.

Còn tính từ đầu năm đến ngày 20/9, toàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 1.437 trường hợp mắc SXH, so với cùng kỳ năm 2019 số ca mắc giảm 57,0%.

TS.BS Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết, theo quy luật tự nhiên, tháng 9, được xem là cao điểm của dịch bệnh SXH, nguy cơ có thể bùng phát và lan rộng nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời. Do vậy, CDC Quảng Nam đã thực hiện giám sát tại các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đại Lộc, Phú Ninh, Núi Thành. Công tác giám sát thực hiện liên tục và thường xuyên.

“Thời điểm hiện tại, Covid-19 được kiểm soát, chúng tôi bắt đầu tăng cường triển khai chiến dịch phòng chống SXH. Tuy nhiên, chúng tôi không lơ là trước Covid-19 và thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh SXH, nhất là giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên. Cùng với đó, quyết liệt triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Tại khu vực có bệnh nhân, đoàn giám sát trực tiếp hướng dẫn cho bà con diệt bọ gậy cùng các biện pháp phòng bệnh, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch tại các địa phương.”- TS.BS Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết.

Ngành y tế Quảng Nam cũng đã đưa ra khuyến cáo, để hạn chế số ca mắc SXH, người dân nên thường xuyên làm sạch môi trường, giữ vệ sinh nhà ở, diệt lăng quăng bọ gậy, và treo màn khi ngủ… khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

CDC Quảng Nam tuyên truyền người dân diệt bọ gậy.

Rà soát chặt tỷ lệ tiêm chủng

Sở Y tế Quảng Nam cũng nhận định, một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm chủng. Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác tiêm chủng tại Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, chưa đạt so với mục tiêu đề ra.

Thống kê từ CDC Quảng Nam, tính đến cuối tháng 8/2020, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 59,3%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (55,7%) nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, do một số địa phương ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thực hiện cách ly xã hội, nên phải tạm hoãn tiêm chủng.

“Theo nguyên tắc, mỗi loại vắc xin sẽ mang lại hiệu quả nếu tiêm đủ và đúng liều. Trường hợp trẻ bị nhỡ lịch tiêm phòng hoặc không được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin, khả năng phòng bệnh sẽ thấp, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao, nhất là khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh. Đối với những trường hợp hoãn tiêm, tiêm trễ, trẻ sẽ được tiêm bù trong đợt tiêm sớm nhất theo lịch TCMR tại các cơ sở y tế gần nhất. Các bậc phụ huynh nên đưa con đến tiêm đầy đủ để phòng bệnh.”-BS.TS Kiệm nói.

Bên cạnh đó, để tăng cường rà soát, đẩy mạnh công tác tiêm chủng, CDC Quảng Nam đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện TCMR theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế và dự án TCMR Quốc gia, vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm chủng.

“Phải rà soát lại tất cả các đối tượng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều; điều phối vắc xin kịp thời, không để tình trạng thiếu, thừa hoặc hết hạn sử dụng vắc xin; tăng cường công tác điều tra, giám sát và tìm kiếm tích cực các trường hợp bệnh trong TCMR (Liệt nền cấp, chết sơ sinh, nghi Sởi/Rubella, Bạch hầu, Ho gà,… quyết không để dịch chồng dịch)-BS.TS Kiệm nhấn mạnh.

Thùy An

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quang-nam-quyet-khong-de-dich-chong-dich-508366.html