Quảng Nam - Quảng Ngãi: Lên phương án chuẩn bị ứng phó bão số 6

Hiện bão số 6 cách đất liền gần 600km, tốc độ di chuyển bắt đầu nhanh hơn, từ 10-15km. Trước tình hình phức tạp của bão số 6, dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh khu vực Nam Trung bộ, các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã lên phương án chủ động ứng phó với diễn biến xấu.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh nên gây ra mưa to đến rất to, từ chiều ngày 9-12/11 với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm, tập trung tại khu vực Đà Nẵng đến Khánh Hòa và Tây Nguyên. Nguy cơ cao xảy lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi và ngập lụt ở các lưu vực sông lớn.

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện số 09/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung nhằm chủ động ứng phó Bão số 06 (NAKRI) và tình hình mưa lũ.

Công điện nêu rõ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển và trên đảo; hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có bão đổ bộ.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn... để thực hiện các biện pháp cảnh báo (cắm biển báo, khoanh dây xác định khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn...) để nhân dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại; chủ động phương án thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn đối với những khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Đặc biệt, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng, nhất là vùng ven sông Vu Gia - Thu Bồn, vùng Đông các địa phương Duy Xuyên, Thăng Bình; Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước.Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các hồ chứa nước (hồ Chủ Bò, hồ Bình Hòa, hồ Nước Rôn), công trình thủy lợi, đê kè, thủy điện, giao thông, đường cao tốc, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình bão và mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.

Tại Quảng Ngãi, sáng 9/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh kiểm tra thực tế công tác triển khai ứng phó với cơn bão số 6 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Dự báo đường đi của bão số 6. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Dự báo đường đi của bão số 6. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi- ông Nguyễn Tăng Bính cho hay, để ứng phó với cơn bão số 6, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương, nhân dân trong tỉnh tuyệt đối không được chủ quan lơ là; chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án 4 tại chỗ ứng phó với bão. Tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với bão, tổ chức khắc phục hiệt hại do mưa, bão gây ra; tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ và chế độ thông tin báo cáo; cho học sinh, sinh viên nghỉ học ngày 11/11 để đảm bảo an toàn; chỉ đạo các nhà mạng trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật, nhắn tin đến người dân biết diễn biến bão, lũ thông qua nhiều hình thức.

Được biết, Quảng Ngãi đã thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương tại huyện đảo Lý Sơn và Đức Phổ, gồm nhiều lực lượng tại chỗ như Quân sự, Biên phòng, Công an, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, đội xung kích địa phương,…để trực tiếp chỉ huy, tổ chức triển khai ứng phó, khắc phục bão, lũ…

Về công tác kêu gọi tàu thuyền, những ngày qua, Quảng Ngãi đã tập trung thông báo, kêu gọi tàu thuyền của tỉnh di chuyển, tránh trú bão, đến chiều ngày 7/11 đã liên lạc được 100% tàu thuyền của tỉnh, hiện ở vùng ảnh hưởng của bão có 96 tàu cá với trên 2.200 lao động đang neo trú tại vùng đảo Trường Sa, vùng biển phía Nam 52 tàu di chuyển nhanh về phía Nam để an toàn. Ngoài ra, còn có 11 tàu cá của tỉnh đang neo đậu ở cảng hoặc di chuyển vào vùng biển của Philippin để tránh bão.

Hiện có 360 tàu đang neo trú tại Khu neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, Mỹ Á 139 tàu, Lý Sơn 302 tàu, Sa Huỳnh 309 tàu, dọc các cửa biển Sa kỳ, Tịnh Kỳ 36 tàu. 38 lồng bè nuôi thủy sản ở Lý Sơn cũng đã được kéo vào cảng. Tất cả khách du lịch ngoài đảo cũng đã thông báo vào đất liền.

Về công tác di dời sơ tán dân, tỉnh nhận định có 6 huyện thành phố trọng điểm bị ảnh hưởng khi bão đổ bộ vào, đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn và Đức Phổ. Tỉnh đã xây dựng phương án chi tiết, tùy tình hình cụ thể sẽ tổ chức di dời, sơ tán dân hoàn thành trước 14 giờ ngày 10/11. Ngoài ra tỉnh cũng chủ động lên phương án di dời, sơ tán dân ở các vùng trọng điểm về lũ lụt, sạt lở núi ở các huyện thuộc lưu vực các sông lớn, các huyện miền núi của tỉnh.

Đặc biệt, Quảng Ngãi đã ban hành lệnh vận hành các hồ chứa nước lớn trên địa bàn; các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc các quy trình vận hành, chế độ thông tin, báo cáo theo quy định, tuyệt đối không gây lũ nhân tạo làm gia tăng tình trạng ngập lụt vùng hạ du.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-nam-quang-ngai-len-phuong-an-chuan-bi-ung-pho-bao-so-6-128004.html