Quảng Nam: 'Nóng' chuyện giữ rừng, 'máu' đại ngàn vẫn chảy

'Máu' của đại ngàn vẫn chảy bởi những lưỡi cưa, đục, xà xẻo của lâm tặc. 'Máu' chảy từ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang rừng cấm… Từ huyện Tiên Phước, Nam Giang đến Đông Giang, Tây Giang… Chưa bao giờ câu chuyện về rừng lại gây nhức nhối như vậy!

"Thảm sát" rừng đặc dụng

Ngày 13/4, tin từ hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng sông Thanh (thuộc huyện Nam Giang và Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết, vừa qua, bất chấp cơn mưa lớn đầu tháng Tư, hàng chục cán bộ đơn vị đã băng rừng “đột nhập” khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh xác minh một vụ phá rừng quy mô lớn nơi đây.

Theo chân cư dân bản địa, chúng tôi lên đường vào nơi thâm sơn cùng cốc với diện tích vùng lõi hơn 93.000ha và hơn 108.000ha vùng đệm này. Cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt chúng tôi khi nhiều cây gỗ bị đốn hạ tan tành, ngổn ngang. Gỗ được cắt gọt thành khối, gỗ chất đống, gỗ rải rác dọc bờ sông. Bằng mắt thường có thể nhận thấy, nhiều cây lớn đường kính gần 2m bị cắt xẻ bằng cưa máy, nhựa cây ứa chảy còn rất mới.

Ngành chức năng Quảng Nam thị sát vụ phá rừng đặc dụng huyện Đông Giang.

Dẫu chưa có số liệu kiểm đếm chính thức từ cơ quan chuyên môn, nhưng vụ phá rừng này thực sự trở thành "giọt nước tràn ly" khiến dư luận phẫn nộ. Như một điệp khúc khi “máu rừng” đã đổ, rừng đã tan hoang thì các ban ngành mới đi xác minh, điều tra. Và có lẽ cũng chưa bao giờ, câu chuyện phá rừng lại khiến Quảng Nam “nóng” như vậy. Bởi, mới đây thôi, ngày 30/3, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng đã băng rừng lên huyện Đông Giang thị sát một vụ “thảm sát” khác tại ban Quản lý rừng phòng hộ sông Kôn. Tại đây, trước cảnh tượng rừng xanh tan nát, ông Thanh rưng rưng rằng “như máu mình đang chảy”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn diễn ra trong hơn 3 tháng trời trước khi cơ quan chức năng phát hiện. Theo đó, ngày 21/3, cơ quan chức năng xác định lâm tặc tàn phá 33 gốc cây lim xanh quý hiếm trong rừng đặc dụng. Uớc tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII. Công an huyện Đông Giang sau đó cũng khởi tố vụ án, bắt 5 đối tượng có liên quan.

Trước đó nữa, cũng trong tháng 3/2018, rừng đặc dụng thuộc ban Quản lý rừng sông Bung, huyện Nam Giang cũng bị tàn phá không thương tiếc. Kết quả của cơ quan công an xác định, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ với ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại là 235,111m3. Đây là vụ phá rừng do một đường dây quy mô, chúng náu mình bằng bè giữa lòng hồ sông Bung để hoạt động. Phải mất hàng tháng trời theo dõi, mật phục, cảnh sát mới bắt giữ được 9 đối tượng có liên quan.

Số liệu chúng tôi có được từ sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh này đủ khiến ai xem cũng hãi hùng. Từ tháng 2-4/2018, các ngành chức năng đã tổ chức được trên 208 đợt tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét, qua đó, phát hiện 242 vụ với hơn 306m3 gỗ các loại. Thu giữ, phá hủy gần 500 cái bẫy, 126 khẩu súng tự chế và đẩy đuổi nhiều đối tượng ra khỏi rừng.

Còn Công an tỉnh Quảng Nam thì thống kê rằng, các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc đã khởi tố 6 vụ án, tiếp tục điều tra 20 vụ, chuyển VKS 4 vụ. Hàng chục đối tượng đã bị bắt. Riêng số xử lý vi phạm hành chính đã lên đến 143 vụ với tiền phạt hơn 700 triệu đồng.

Đóng cửa rừng, lâm tặc vẫn hoành hành

Vì đâu rừng xanh liên tục “đổ máu”? Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, từ 10 năm trước địa phương đã thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, nhưng do địa bàn quá rộng, nhân lực mỏng nên vấn nạn phá rừng vẫn diễn ra liên tục, trầm trọng.

Theo ông Quang, nhiều năm qua, việc bảo vệ rừng là điều được chính quyền địa phương quan tâm, cương quyết. Tỉnh ủy Quảng Nam từng tổ chức các cuộc họp khẩn đối với các bí thư của 9 huyện miền núi, nhằm tìm giải pháp bảo vệ rừng và yêu cầu mỗi huyện phải xây dựng 1 kế hoạch cụ thể. Thậm chí, áp dụng công nghệ thông tin mới nhất vào bảo vệ rừng.

Còn ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thì thông tin rằng, do để xảy ra hàng loạt vụ phá rừng, tạo “điểm nóng” trong dư luận, đơn vị đã tiến hành kỷ luật nhiền cán bộ. Trong đó có cả cá nhân ông Tuấn; ông Bùi Văn Tưởng, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam; ông Huỳnh Ngọc Tân, Hạt phó hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam.

Mới đây, ngày 6/4, chi cục Kiểm lâm tỉnh này đã tiến hành kiểm điểm và quyết định tạm đình chỉ công tác 1 tháng đối với 6 lãnh đạo, cán bộ kiểm lâm địa bàn. Đáng chú ý, trong 6 người này thì có đến 3 trạm trưởng là ông Phan Thanh Minh, Trạm trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3; ông A Vô Tô Vích, Trạm trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng Chà Vàl và ông Trần Kim Hoàng, quyền Trạm trưởng Quản lý bảo vệ rừng Tà Pơơ. Nguyên nhân của động thái này cũng đến từ việc hàng loạt vụ phá rừng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.

Mặc dù cơ quan chức năng Quảng Nam đã sử dụng hàng trăm tỷ đồng để bảo vệ rừng nhưng dường như, kết quả không như kỳ vọng. Theo tìm hiểu của chúng tôi từ quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Quảng Nam, đến nay tỉnh đã giao khoán bảo vệ rừng đến từng nhóm hộ gia đình với tổng diện tích gần 300.000ha (tương đương 72% diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh). Địa phương này cũng đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng cho các chủ rừng, người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với số tiền “khủng” trên, Quảng Nam hướng đến từng người, từng hộ dân là tai mắt trong bảo vệ rừng. Nhưng từ chính sách tốt khi triển khai thành tai họa, mà một trong số đó là việc tiền chi trả cho hộ dân bị cắt xén.

Quảng Nam đang nỗ lực hết sức để giữ rừng, nhưng kết quả dường như vẫn chưa đúng với kỳ vọng.

Trung tá Phạm Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46, Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện đơn vị vẫn đang mở rộng điều tra vụ án Tham ô tài sản đối với Đoàn Tất Chẩn (SN 1959), nguyên Giám đốc ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tranh; Trần Đồng (SN 1964), nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tranh và Nguyễn Thị Bích Nhung (SN 1984), nguyên Kế toán trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tranh. Theo kết quả điều tra ban đầu, 3 cá nhân trên đã lập chứng từ khống chiếm đoạt gần 800 triệu đồng từ tiền bảo vệ rừng chi trả cho người dân.

Trả lời báo chí, ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng, chính những bất cập, thiếu sót, lỏng lẻo, thậm chí bất đồng trong phối hợp giữa chủ rừng với người dân, ngành chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng khiến rừng bị tàn phá.

Ông Hưng nhìn nhận, thực tế mô hình giao khoán rừng tận tay người dân, hộ dân, gắn trách nhiệm với cộng đồng vùng cao và các già làng, trưởng bản, người có uy tín sẽ đem lại hiệu quả cao, nếu thực hiện đúng theo chủ trương.

Lộ diện cung đường gỗ lậu: "Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam từng bắt hàng loạt vụ vận chuyển trái phép gỗ lậu theo đường dọc theo sông Thu Bồn, Vu Gia về xuôi. Lâm tặc kết hàng chục thanh gỗ thành bè, rồi kẹp vào mạn thuyền trôi sông giữa đêm. Nhiều lần bị phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả buộc cảnh sát nổ súng truy đuổi giữa đêm như phim hành động. Được biết, dọc theo 2 dòng sông này là các làng mộc nổi tiếng Quảng Nam như Kim Bồng, Điện Phương…"

Lê Nhâm Thân

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/quang-nam-nong-chuyen-giu-rung-mau-dai-ngan-van-chay-a366291.html