Quảng Nam: Ngư dân vừa tiêu thụ hải sản vừa hối hả phòng, chống bão số 5

Sáng 17/9 tại cảng cá Kỳ Hà, ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, tàu thuyền hối hả cập bến sau những ngày đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, Trường Sa, cùng với đó, rất nhiều tàu thuyền của ngư dân chạy vào trú tránh bão số 5. Nơi đây còn tất bật cảnh chằng chống, neo đậu tàu thuyền.

Ngư dân Nghi chuẩn bị thả neo cho tàu.

Ngư dân Nghi chuẩn bị thả neo cho tàu.

Cá từ Hoàng Sa về trước bão!

Ngư dân Ngô Phê (56 tuổi, trú xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, chủ tàu QNa 91585) vừa cập bến cho biết, chúng tôi đang đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa thì nghe thông tin dự báo thời tiết về tình hình về cơn bão số 5 nên tôi cùng 12 thuyền viên đã khẩn trương cho tàu chạy vào đất liền trú tránh bão. Chuyến này không tàu tôi mà nhiều tàu của anh, em cũng quay về tránh bão và bán hải sản.

“Tôi cùng các bạn thuyền vừa bán 15 tấn cá ngừ sọc dừa cho các thương lái với giá bán 22.000 đồng/1kg. Thật là may mắn chúng tôi đã cập cảng an toàn và vui hơn khi tiêu thụ được hải sản đã đánh bắt được”- ngư dân Phê chia sẻ.

Còn ngư dân Trần Quốc Dũng (56 tuổi, trú xã Tam Quang) chủ tàu hậu cần nghề cá QNa 91972 cho biết: “Tàu tôi đang mua hải sản của ngư dân đánh bắt được ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, mới thu mua được có vài tấn cá các loại như cá ngư, cá hố, cá thu thì nghe tin báo bão số 5 nên đã chạy vào đây tránh bão và tiêu thụ hải sản.

Trong khi đó, ngư dân Trần Trường (trú thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang), chủ tàu cá QNa 91745, hành nghề lưới vây cho biết: “Tàu tôi đi biển 15 ngày qua đánh bắt được 5 tấn cá nục, với giá bán 25.000 đồng/kg tôi thu về được khoảng 100 triệu. Hiện tôi đã cho tàu vào âu thuyền để trú bão an toàn”.

Ngư dân Ngô Phê tranh thủ bán hải sản.

Tại cảng Kỳ Hà trong lúc này, có rất nhiều nhân công đem các sọt nhựa xuống khoan tàu để phân từng loại cá lớn, nhỏ rồi cùng nhau vận chuyển đưa lên xe thùng đông lạnh chờ sẵn trên bờ để chở đi tiêu thụ. Nhiều con cá ngư từ khoan tàu vớt ra tươi rói cùng với các loại hải sản khác đã được đưa từ tàu lên bờ. Hiện giá cá ngừ sọc dừa từ 30 đến 40.000 đồng/kg, cá hố từ 160.000 đến 170.000 đồng/kg,…

Cứ thể đã có hàng trăm tàu thuyền và hàng chục tấn cá và hải sản cập cảng trước khi bão số 5 đổ bộ vào. Nhiều ngư dân cũng bày tỏ quyết tâm, sau cơn bão sẽ lập tức ra khơi đánh bắt hải sản trở lại.

Ngư dân tranh thủ bán hải sản.

Tất bật phòng chống bão

Tại cảng Kỳ Hà không chỉ có việc ngư dân hối hả vận chuyển cá đi tiêu thụ, mà nơi đây còn khẩn trương cho tàu thuyền vào bến thả neo trú bão. Kẻ lo chằng buộc chắc chắn cho tàu thuyền, người dùng lốp xe ô tô buộc vào hai bên tàu để tránh va đập mạnh trong trường hợp sóng to, gió lớn... Không khí vô cùng hối hả, khẩn trương.

Ngư dân Ngô Phê cho biết: “Sau khi bán hết hải sản tôi tranh thủ chằng buộc tàu vào chỗ cố định, đồng thời dùng lốp xe ô tô buộc hai bên mạng tàu nhằm tránh va đập mạnh với tàu thuyền khác. Không biết tình hình cơn bão này khi đổ bộ vào đất liền như thế nào. Nhưng việc làm này, giúp tôi một phần nào yên tâm hơn”

Còn ngư dân Nguyễn Nghi (46 tuổi, trú xã Tam Quang), chủ tàu QN 92053 TS, đang tranh thủ sửa ngư cụ khi đưa tàu vào tránh bão cho biết: “Khi biết bão số 5 sẽ đổ bộ vào miền Trung tôi lập tức cho tàu chạy về cảng. Sáng nay tôi và các thuyền viên đã ra thả neo, chằng buộc dây thừng để giữ cho tàu cố định nhằm hạn chế xảy va đập mạnh khi gió lớn, sóng biển mạnh”.

Cứ như thế không khí ở đây vô cùng hối hả, khẩn trương, mỗi người mỗi việc, họ bằng nhiều cách để đảm bảo thật an toàn những con tàu mưu sinh của mình

Ngư dân chằng chống cho tàu thuyền.

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến thời điểm này tổng số tàu cá tỉnh Quảng Nam đang hoạt động trên biển là 318 tàu/3.752 lao động, trong đó tàu hoạt động xa bờ 173 tàu/ 3.050 lao động; tàu ở khu vực Hoàng Sa 89 tàu/742 lao động, trong đó có 65 tàu/563 lao động đang chạy vào trú tránh, 24 tàu/179 lao động đã nhận được thông tin và đang tìm nơi trú tránh; tàu ở khu vực Trường Sa 84 tàu/702 lao động.

Để tập trung ứng phó bão số 5 và mưa lũ, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời đến nhân dân biết về bão số 5 và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp phòng tránh.

“Các địa phương phải rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão; Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. Ngoài ra, BCH PCTT và TKCN từ tỉnh đến địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục”, ông Hồ Quang Bửu nói.

Trong khi đó, BCĐ PCTT Trung ương cũng đưa ra lời cảnh báo: Bão số 5 là cơn bão mạnh kèm theo mưa lớn, sẽ đổ bộ vào đất liền ngày 18/9/2020. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, cần khẩn trương, đưa tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi trú tránh an toàn, giữ thông tin liên lạc. Không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản.

Cần chằng chống nhà cửa, các biển hiệu quảng cáo, chặt tỉa cành cây; Sơ tán người dân đến vị trí an toàn, hạn chế ra ngoài khi bão đổ bộ; Không ở, không làm việc hoặc đi lại, đánh bắt cá, vớt củi ở những vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngầm tràn, sông suối, khu ngập lụt. Thường xuyên theo dõi tin dự báo, cảnh báo bão, mưa lũ. Tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quang-nam-ngu-dan-vua-tieu-thu-hai-san-vua-hoi-ha-phong-chong-bao-so-5-507662.html