Quảng Nam nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư, từ vị thứ 25 năm 2009, giai đoạn 2015-2018, Quảng Nam luôn xếp trong nhóm tốt và nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Một góc Khu kinh tế mở Chu Lai. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Một góc Khu kinh tế mở Chu Lai. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết số 09 NQ/TU ngày 4/5/2009 của Tỉnh ủy Quảng Nam về xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư đến nay đã trở thành động lực phát triển, thu hút đầu tư, xác lập được niềm tin đối với các doanh nghiệp.

Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, trong 10 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 150.300 tỷ đồng, tăng bình quân 9,7%/năm.

Hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giao thương và thu hút đầu tư vào khu vực có điều kiện khó khăn.

Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu-cụm công nghiệp trong tỉnh đã được đầu tư để trở thành những lực hấp dẫn thu hút đầu tư.

Tỷ lệ lấp đầy 7/9 khu công nghiệp đến 51,2% và 55 cụm công nghiệp đạt 66,4%.

Không chỉ hạ tầng kinh tế hay xã hội đã được cải thiện, dấu ấn mạnh mẽ nhất của việc cải thiện môi trường đầu tư là gia tăng lực lượng lao động và số doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng tăng.

Thống kê năm 2009, chỉ có khoảng 75.000 lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp thì tính đến năm 2018 có khoảng 252.000 người, tăng gấp 3 lần so với năm 2009, tăng bình quân hàng năm lên 30%.

Nếu năm 2009, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 67,42% thì vào cuối năm 2018 đã giảm xuống còn 40%; công nghiệp xây dựng dịch vụ chiếm 32,58% đã tăng lên 60%.

Kế hoạch cải cách đã mở ra cho các nhà đầu tư tìm đến Quảng Nam, kéo theo sự cộng hưởng của nhiều doanh nghiệp nội địa bỏ vốn vào thị trường đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong quãng thời gian 10 năm, từ 3.500 doanh nghiệp (tháng 4/2009) với tổng vốn đăng ký 13.000 tỷ đồng, luôn nằm trong nhóm địa phương phải nhận trợ cấp từ Trung ương thì đến cuối năm 2018, Quảng Nam đã gia tăng đến gần 7.000 doanh nghiệp.

Tổng số doanh nghiệp tăng bình quân mỗi năm 19,6%. Không chỉ vậy, tính riêng giai đoạn 2010- 2018, Quảng Nam đã thu hút được 124 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,1 tỷ USD và 569 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn đầu tư hơn 169.946 tỷ đồng.

Đặc biệt ấn tượng nhất, Quảng Nam đã bước vào danh sách những tỉnh, thành thu ngân sách cao nhất nước, có thể điều tiết về ngân sách Trung ương kể từ năm 2017, gia nhập vào câu lạc bộ thu ngân sách trên 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Năng lực cạnh tranh, năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn cải thiện vượt bậc.

Kết quả phân tích PCI năm 2018 cho thấy chỉ số chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, việc đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực.

Kể từ vị thứ 25 (năm 2009), giai đoạn 2015-2018, Quảng Nam luôn xếp trong nhóm tốt và nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Ông Trần Văn Ẩn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khẳng định, Nghị quyết 09 đã trở thành động lực phát triển. Các sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ nhiều năm qua như “Một cửa liên thông,” “Tiếp doanh nghiệp định kỳ,” “Cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp” hay “Cà phê doanh nhân”… đã xác lập niềm tin từ doanh nghiệp.

Kể từ năm 2016, chính quyền Quảng Nam đã đưa ra một kế hoạch để cải thiện, nâng chất từng chỉ số cụ thể, cho thấy quyết tâm thay đổi để trở thành địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp trong chuyện đặt cược làm ăn, mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Tất cả nhằm xây dựng nền hành chính kiến tạo, năng động, trách nhiệm, phục vụ người dân và doanh nghiệp… Các sở, ngành, địa phương tùy điều kiện cụ thể, chức năng nhiệm vụ để thực thi kế hoạch này….

Tuy nhiên, trong quá trình thu hút đầu tư các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cũng như chính quyền địa phương cơ sở vẫn còn chậm trễ trong việc cải cách hành chính, gây phiền hà, rắc rối cho doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng - kinh doanh nhà Khởi Thành có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công ty được Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng khu du lịch tại thành phố Tam Kỳ từ năm 2007 nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có mặt bằng sạch để triển khai dự án.

Mặc dù, kinh phí giải tỏa đền bù đã nộp 100% cho thành phố Tam Kỳ từ năm 2007. Doanh nghiệp rất mong các cấp chính quyền Quảng Nam quan tâm tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án…

Đây chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp được kêu gọi thu hút đầu tư vào Quảng Nam phản ánh bức xúc trong quá trình triển khai đầu tư dự án. Đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch, khai thác khoáng sản.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cần đồng hành với doanh nghiệp trong qua trình đầu tư triển khai dự án.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng nút thắt lớn nhất vẫn là chuyện khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, chính quyền cơ sở vẫn còn gây khó khăn cho doanh nghiệp; việc bổ sung, điều chỉnh chất lượng quy hoạch chưa kịp xu thế phát triển chung…

Ông Phạm Ân, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, thời gian qua chính quyền Quảng Nam đã có nhiều cuộc đối thoại với công nhân, nhà đầu tư cho thấy đã ít dần những than phiền về môi trường đầu tư.

Song thực tế, kết cấu hạ tầng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu phát triển các khu công nghiệp, phát triển đô thị, du lịch.

Cơ sở hạ tầng hiện tại chưa thể đáp ứng yêu cầu nên các nhà đầu tư mới chỉ dừng lại ở các dự án dịch vụ, thiếu nhiều dự án sản xuất để tạo ra các giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế. nút thắt lớn nhất của cải thiện môi trường đầu tư chính là khó khăn trong giải phóng mặt bằng và cơ chế thu hồi đất.

Không nhà đầu tư nào đủ kiên nhẫn để chờ đợi triển khai dự án khi thời gian giải quyết quá lâu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, chính quyền Quảng Nam xác định cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; đồng thời, cải cách hành chính đã góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Chính quyền đã hỗ trợ, đồng hành, tạo môi trường thân thiện, chuyển từ nền hành chính “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp chưa kịp thời, thông thoáng…

Việc công khai thủ tục hành chính ở một số nơi chưa đúng quy định; quy trình thực hiện tiếp nhận, chuyển, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ chưa nghiêm túc, chặt chẽ…

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Văn Tân, chính quyền, cơ quan quản lý sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành, địa phương để hướng đến mục đích cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển và người dân hài lòng với năng lực điều hành của chính quyền./.

Trần Tĩnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quang-nam-nam-trong-top-10-tinh-dan-dau-ca-nuoc-ve-chi-so-pci/573574.vnp