Quảng Nam: Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm dứa

Được trồng từ năm 1993 đến nay, cây dứa trở thành một trong những cây trồng chủ lực của các xã vùng A - Đại Lộc (Quảng Nam), như: Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Hưng, Đại Sơn..., với diện tích gần 1.000 ha đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, phát triển kinh tế ổn định. Cá biệt, nhiều hộ đã “phất” lên, xây nhà cửa, mua xe cộ, cho con cái đi học..., tất cả đều nhờ vào cây dứa. Thế nhưng, đến nay người dân lại đứng trước nỗi lo vì đầu ra còn quá bấp bênh.

Thu hoạch dứa ở H. Đại Lộc. Ảnh: D.V

Thu hoạch dứa ở H. Đại Lộc. Ảnh: D.V

Địa phương có diện tích trồng dứa nhiều nhất H. Đại Lộc là xã Đại Sơn, với diện tích gần 700ha. Năm nay, mỗi ha cho thu hoạch khoảng 11 tấn/vụ. Do đặc điểm của cây dứa là chín nhanh, thu hoạch rộ nhất là từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, rất dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển, khó bảo quản được lâu trong thời tiết nóng ẩm như hiện nay. Hơn nữa, sản phẩm chủ yếu được bán cho người tiêu dùng nội địa nên đầu ra vô cùng khó khăn, giá cả lên xuống từng ngày do tư thương xác định. Ông Hồ Văn Cảnh, trú Hội Khách Tây, Đại Sơn, trao đổi: Hiện tại, dứa có giá 60.000 đến 70.000 đồng/chục hoặc 700.000 – 800.000 đồng/giỏ (mỗi giỏ trung bình khoảng 400-500 trái lớn nhỏ). Giá dứa hiện tại không cao do dứa phía Bắc (Thanh Hóa, Nghệ An) chở vào nhiều nên cạnh tranh khó bán.

Ông Ngô Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho biết: Vùng đồi núi H. Đại Lộc có đất đai khô cằn, mùa hè thường khô hạn, mùa mưa chịu ảnh hưởng lũ lụt nên rất phù hợp với cây dứa. Hiện tại, địa phương xác định cây dứa là cây trồng chủ lực song điều lo lắng nhất là cảnh “được mùa mất giá” vì chưa có công ty nào đứng ra bao tiêu sản phẩm hoặc sản xuất các chế phẩm khác nên người dân vẫn chưa “mặn mà” với cây dứa. Hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là TP Đà Nẵng và một số vùng lân cận song bị cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ các địa phương khác nên giá cả lên xuống thất thường. Bà Trà Thị Bàn - đầu nậu thu mua dứa, trú Tân Hiệp, xã Đại Sơn, cho biết: Từ năm 2015 trở về trước, lúc được mùa được giá, dứa được bán từ 80-100.000 đồng/ chục (12 trái), người nông dân có thu nhập khá cao. Do lợi nhuận mang lại nhiều hơn so với các loại cây trồng khác nên người dân các vùng lân cận, như: Đại Hồng, Đại Lãnh..., thậm chí người đồng bào Cơ Tu ở xã Cà Dy, H. Nam Giang đổ xô trồng dứa nên nguồn cung vượt quá giới hạn của cầu nên giá cứ thế thấp dần. Hiện tại, những quả dứa to đẹp nhất có giá từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/quả. Với giá cả như hiện nay, người trồng dứa chỉ lãi theo nghĩa “lấy công làm lời” nên nhiều người chẳng còn mặn mà với cây dứa. Thực tế, có thời gian do giá xuống quá thấp nếu thu hoạch bán cho tư thương cũng chỉ đủ tiền công và chi phí vận chuyển nên người dân đành bỏ dứa chín rục trên rẫy.

Trao đổi vấn đề chống rớt giá đối với sản phẩm dứa Đại Lộc, một cán bộ có chức năng, cho biết: Điều đó dựa trên quy luật cung cầu của thị trường nên khó can thiệp. Để sản phẩm không bị tư thương ép giá, các cơ quan chức năng tại H. Đại Lộc nhiều lần khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích trồng dứa theo cảm tính, thấy người khác trồng dứa có lãi mình cũng tổ chức trồng. Hơn nữa, phát triển diện tích trồng dứa đồng nghĩa với việc phá rừng nên UBND huyện phối hợp với ngành Kiểm lâm tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hành vi phá rừng làm rẫy là vi phạm sẽ bị pháp luật xử lý. Trên thực tế, nhiều vụ phá rừng lấy đất trồng dứa đã bị các cơ quan tiến hành điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, địa phương có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dứa thành các sản phẩm, như: nước ép, sấy khô... nhưng chưa có đơn vị nào xúc tiến đầu tư. Hiện dứa tại địa phương tiêu thụ theo hình thức thu hoạch, thương lái thu mua để nhập lại cho các đối tượng khác vận chuyển về xuôi tiêu thụ.

Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không đầu tư xây dựng nhà máy chế biến là do nguồn nguyên liệu không ổn định, mỗi năm dứa cho thu hoạch từ tháng 2 đến 5. Do vậy, khi đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sản xuất mỗi năm độ 4 tháng thì quá lãng phí. Theo ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho biết: Nguyện vọng lớn nhất của chính quyền địa phương và người trồng dứa là mong tìm được đầu ra ổn định, xây dựng được chuỗi liên kết sản phẩm cho người dân yên tâm trồng dứa.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_204730_quang-nam-loay-hoay-tim-dau-ra-cho-san-pham-dua.aspx