Quảng Nam: Hàng chục doanh nghiệp 'mượn' kênh mươn tưới tiêu để xả thải

Đoạn kênh mương huyết mạch dùng để tưới tiêu cho gần 35ha lúa tại thôn Thọ Khương (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) đang được hàng chục doanh nghiệp 'mượn' để xả thải.

Hiện hàng trăm hộ dân tại đây tỏ ra bức xúc, không đồng tình với việc kênh mương tưới tiêu nội đồng của họ bị nhiều doanh nghiệp “mượn” để xả thải nước ra môi trường.

Được biết, tuyến kênh tưới tiêu này có chiều dài khoảng hơn 1,5km, rộng 3m, sâu gần 2m. Tuyến kênh phục vụ tưới tiêu cho gần 35ha diện tích đất trồng lúa và hoa màu đi qua 3 thôn Thọ Khương, Vân Thạch và Nam Sơn.

Theo ông Bùi Văn Trung (Trưởng thôn Thọ Khương) cho biết: “Mấy năm nay, gần 5ha diện tích đất trồng sen ở đây bỏ hoang, bởi sen vừa nhú lên khỏi mặt nước là chết liền. Sen chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân, lúa trồng thì không đạt năng suất. Người dân gửi đơn kiến nghị lên các cấp xong vẫn không tìm được nguyên nhân vì sao. Các thông số môi trường gửi về cho dân đều đảm bảo an toàn? Dân chỉ biết lắc đầu ngao ngán!”

Hiện tại nhiều cánh đồng ở đây bỏ hoang do sản xuất không hiệu quả (ảnh: H.Tân)

Cũng theo ông Trung, thôn Thọ Khương hiện nằm sát Khu công nghiệp (KCN) Bắc Chu Lai, địa hình trũng thấp, dân cư nằm phân bổ đều hai bên hệ thống kênh mương đường cống dẫn nước xả thải của KCN. Toàn thôn có 380 hộ thì hơn 90% dân số trực tiếp uống nước từ nguồn giếng đào, giếng đóng. Mấy năm nay, người dân ở đây lo lắng bởi cho rằng nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hai năm về trước, nhiều cái chết tức tưởi xảy ra do chẩn đoán bị bệnh ung thư mà không rõ nguyên nhân, khiến người dân càng thêm hoang mang…

Chị Nguyễn Thị Ly (người dân thôn Thọ Khương) cho hay, đất trồng sen nhà chị đã bỏ hoang từ nhiều năm nay. Những năm trước, chị thu hoạch về cả trăm triệu tiền bán sen. Nhưng không hiểu sao, từ khi hệ thống kênh xả nước đi qua, sen chết hàng loạt. Ai nấy đều bỏ đất, tha hương đi tìm việc ở các nơi khác.

Tuy nhiên, đại diện của Công ty TNHHMTV Phát triển Hạ tầng KCN Bắc Chu Lai (xin được giấu tên- Pv) thì lại cho rằng, đây là kênh tiêu nước chứ không phải kênh tưới tiêu của xã. Về qui trình xả thải, phía công ty đã thực hiện đúng qui trình theo qui định chung. Hiện có khoảng gần 30 công ty sau khi được xử lý, họ đưa về khu xử lý chung của công ty và được xả thải ra sông Trường Giang theo đường mương dẫn nước này.

Nhiều cái chết tức tưởi ở đây được chẩn đoán bị ung thư mà không rõ nguyên nhân (ảnh: H.Tân)

Cũng theo vị này, “đây là qui hoạch chung từ khi mới bắt đầu hình thành KCN. Nhà máy cũng đã thực hiện theo đúng qui định của nhà nước được phép xả thải. Tất cả các qui trình đều đảm bảo trên hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt, nên hoàn toàn đúng qui định. Nếu như muốn đầu tư riêng đường ống thì cần phải có kinh phí và được phê duyệt của ủy ban tỉnh”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Anh (Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) quả quyết: Đây nguyên thủy là mương nước tưới tiêu của xã. Toàn bộ tuyến kênh mương này phục vụ cho gần 35ha đất nông nghiệp tại địa phương. Trước đây, mương tưới tiêu này do Hợp tác xã bỏ vốn ra đầu tư làm, nay giao về cho Ban Nông nghiệp xã quản lý, theo dõi tưới tiêu phục vụ nước cho dân. Kênh mương tưới tiêu được dẫn nước từ đập Thái Xuân về phục vụ tưới nước cho 3 thôn Thọ Khương, Vân Thạch và Nam Sơn. Mùa mưa thì dẫn tiêu nước ra sông Trường Giang. Địa phương nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên Ban quản lý KCN nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng nạo vét mương, làm đường ống riêng, nhưng hứa miết đến biết bao giờ mới làm? Ở đây không có nước sạch, hầu hết các hộ dân đều dùng nước giếng đào. Ủy ban xã cũng vừa xin hỗ trợ giống cây nếp bầu để trồng thí điểm thay cây sen. Khó khăn chất chồng khó khăn, khi tiếp tục kênh N5 lấy nước về phục vụ tưới tiêu cho xã Tam Giang cũng đang đi ngang khu vực này. Nước thấm chân ruộng càng sình lầy, máy móc không sử dụng được, nên nhiều cánh đồng hiện bỏ hoang không làm…, ông Anh bức xúc.

Vị trí xả thải ra môi trường theo đường kênh mương tưới tiêu được “mượn” của dân (ảnh: H.Tân)

Có hợp lý không khi kênh mương tưới tiêu được KCN “mượn” để xả thải? “Dĩ nhiên hoàn toàn không hợp lý”, ông Anh trả lời và cho rằng, nếu toàn bộ cánh đồng này được giải tỏa trắng để làm KCN, hoặc làm đường ống dẫn nước thải riêng mới hợp lý. Còn “xài chung” vậy khiến người dân vô cùng bức xúc. Nguyên tắc, mỗi một công ty hình thành trong KCN, phải có phương án đánh giá tác động môi trường và phải được phê duyệt, phải thông qua ý kiến người dân, lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Trước đây, đại diện KCN và các nhà máy hứa hẹn sẽ làm đúng theo các qui trình và có phương án đưa đường dẫn ống riêng. Tuy nhiên, đến nay phía KCN vẫn chưa thực hiện. Với tình hình người dân lo lắng như hiện nay, về lâu dài thì không thể được. Đề nghị phải có hệ thống xả thải riêng…

Hoàng Tân- Thế Sơn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/quang-nam-hang-chuc-doanh-nghiep-muon-kenh-muon-tuoi-tieu-de-xa-thai-d71347.html