Quảng Nam: Gỡ khó để phát triển rừng

Nhiều năm qua, công tác sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành. Các ngành chức năng đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng Kiểm lâm thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương cũng như một số hạn chế về chính sách, nhân lực... nên công tác phát triển rừng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Diện tích rừng trồng sản xuất chủ yếu là các loài Keo và mục tiêu kinh doanh là gỗ dăm nguyên liệu giấy vì vậy người trồng rừng ít quan tâm đến cải thiện giống và ít đầu tư thâm canh

Còn nhiều vướng mắc trong phát triển rừng

Đối với công tác sử dụng và phát triển rừng, đầu tư hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương cho trồng rừng phòng hộ còn thấp so với thực tế, ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa có hỗ trợ, việc trồng rừng phòng hộ còn đạt tỉ lệ thấp, những năm gần đây các địa phương của tỉnh Quảng Nam xin không thực hiện. Diện tích rừng trồng sản xuất chủ yếu là các loài Keo và mục tiêu kinh doanh là gỗ dăm nguyên liệu giấy vì vậy người trồng ít quan tâm đến cải thiện giống và ít đầu tư thâm canh.

Bên cạnh đó, việc kêu gọi người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như: người dân thiếu vốn đầu tư sản xuất để trồng rừng có chu ký dài và việc kinh doanh rừng trồng gỗ lớn lâu cho thu hồi vốn trong khi mức độ rủi ro cao do thiên tai gây ra. Rừng trồng sản xuất ở Quảng Nam hầu hết thuộc sở hữu của hộ gia đình, cá nhân do đó việc triển khai cấp chứng chỉ rừng trồng cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện, rừng trồng của người dân có chứng chỉ quản lý bền vững (FSC) chưa đáng kể (822ha/2.292 ha rừng trồng có chứng chỉ toàn tỉnh).

Các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp nhỏ lẻ, tự phát chưa đảm bảo các điều kiện về sản xuất kinh doanh còn chiếm tỷ lệ khá cao. Tình hình buôn bán, lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp không đảm bảo thủ tục của các cá nhân, đơn vị từ các địa phương vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp của các chủ vườn ươm thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Đối với việc phát triển cây dược liệu, hiện nay, chưa có quy định nào của Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT về xác định nguồn gốc giống, công nhận nguồn gốc giống cây dược liệu thuộc loài thực vật nguy cấp, quý hiếm nằm trong Công ước CITES và theo quy định của pháp luật Việt Nam, nên gặp khó khăn trong vấn đề xác nhận nguồn gốc giống cây dược liệu.

Ngoài ra, trong vấn đề giao khoán, mức kinh phí giao khoán có sự khác nhau giữa các lưu vực thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (từ 105.000 đồng/ha đến 420.000 đồng/ha) và có sự chênh lệch lớn với các chính sách khác (như chương trình 30a mức kinh phí khoán là 300.000 đồng/ha, còn Nghị định số 75/2015 NĐ-CP là 400. 000 đồng/ha). Do đó ở cùng một địa bàn nhưng định mức kinh phí giao khoán khác nhau nên có sự so bì giữa người dân ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ diện tích rừng nhận khoán.

Thời gian đến, Quảng Nam tăng cường triển khai thực hiện kế hoạch phát triển rừng nguyên liệu gỗ lớn đáp ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ

Tìm giải pháp phát triển rừng

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phát triển rừng, UBND tỉnh Quảng Nam tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được UBND tỉnh thông qua như: Đề án phát triển giống cây trồng lâm nghiệp; cây dược liệu và các cây lâm sản ngoài gỗ khác; Đề án nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng thông qua sử dụng giống chất lượng, năng suất và ứng dụng kỹ thuật thâm canh; Thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch đề án về bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt theo hướng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có. Nâng cao giá trị sử dụng rừng thông qua việc cải thiện chất lượng giống để tăng năng suất và chất lượng rừng gắn với các chính sách hỗ trợ người dân miền núi ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển rừng nguyên liệu gỗ lớn đáp ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng; các chính sách ưu tiên hỗ trợ về phát triển giống cây trồng , kỹ thuật thâm canh; xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp, hệ thống phòng chống cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng.

Tranh thủ và thu hút vốn đầu tư viện trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường ... nhằm tạo công ăn việc làm lâu dài và bền vững, tăng thu nhập cho người dân.

Song song với những giải pháp phát triển rừng, các giải pháp quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả cũng rất cần thiết cho công tác phát triển rừng. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức gắn với trách nhiệm quản lý và bảo vệ và phát triển rừng của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân và của công chức, viên chức và người lao động luôn là việc làm quan trọng nhất.

Võ Hà

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/quang-nam-go-kho-de-phat-trien-rung-1257814.html