Quảng Nam giải bài toán nhân lực lao động

Đỏ mắt tìm công nhân

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt công ty thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thông tin cần một số lượng lớn công nhân. Nguyên nhân của việc tuyển dụng được các công ty cho biết là do nhu cầu mở rộng thị trường. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác là do số lượng người lao động thời vụ hoặc hợp đồng ngắn hạn nghỉ việc từ sau tết tăng cao, số lượng công nhân đi nghĩa vụ quân sự năm 2018 khiến một phần lớn công ty, nhà máy thiếu lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp cần tuyển dụng hơn 9.000 vị trí trên thị trường lao động Quảng Nam, trong đó tuyển dụng nhiều như Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất tuyển 4.000 vị trí, Nhà máy may Quế Sơn hơn 600 vị trí, Công ty Panko Tam Thăng tuyển 350 công nhân may, Công ty Sedo Vinako 500 công nhân may... Ngoài ra, các công ty xuất khẩu lao động cũng tuyển dụng không hạn chế lao động đi xuất khẩu ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Học nghề, dạy nghề đang là hướng đi mới nhằm giải quyết lượng thiếu hụt lao động tại Quảng Nam (ảnh công nhân đang làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô Trường Hải).

Thực tế là vậy nhưng người lao động tìm được việc qua sàn giao dịch việc làm còn thấp, cung vượt quá cầu, trình độ tay nghề người LĐ chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng LĐ là những thực tế của thị trường LĐ tại Quảng Nam. Đại diện nhiều DN cho biết, thời gian này họ khó thu hút được lao động, dù đã thông báo tuyển lao động cả tháng trời. DN kiên trì tham gia phiên giao dịch việc làm, nhưng có ngày chỉ nhận được vài hồ sơ. Cụ thể, theo thống kê từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm ở nhiều địa điểm từ đồng bằng đến miền núi, các doanh nghiệp cũng mang "quân" đi cùng để tuyển dụng, nhưng hiệu quả từ những phiên giao dịch này chưa cao, số lượng người lao động ứng tuyển chỉ dừng lại ở con số hàng chục.

Giải bài toán "thừa thầy thiếu thợ"

Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam cho biết, để xúc tiến LĐ địa phương, trung tâm đã nỗ lực đưa thông tin tuyển dụng đến với người LĐ, kết nối người LĐ với doanh nghiệp qua các sàn giao dịch việc làm đưa về tận huyện. Cụ thể trung tâm tổ chức sàn giao dịch ở mỗi điểm, địa phương đều cố gắng tuyên truyền để người LĐ tìm kiếm việc làm. Song song với việc các công ty tự quảng bá thì trung tâm còn có nhiều hình thức như chạy xe tuyên truyền lưu động qua các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn, treo băng rôn, khẩu hiệu trực quan, gửi thông báo phát trên hệ thống loa phát thanh của các xã, các hội đoàn thể thông báo cho hội viên biết để kêu gọi con cháu chưa có việc làm đến với các sàn giao dịch. "Mặc dù tình trạng thiếu việc làm còn tồn tại nhưng người LĐ chưa thực sự mặn mà với những phiên giao dịch việc làm. Một phần do hạn chế trình độ khó đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, phần khác người LĐ chưa chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình. Khi sàn giao dịch việc làm diễn ra, rất ít LĐ đến, nơi đông nhất cũng chỉ khoảng hơn trăm người, trong khi nguồn lao động doanh nghiệp cần cả chục nghìn người. Vấn đề tuyển dụng luôn thường trực và trở thành bài toán khó nhất là trong khi tỉnh ta đang được đầu tư xây dựng khá nhiều nhà máy, khu công nghiệp", ông Tưởng cho biết.

Để giải bài toán nhân lực, tỉnh Quảng nam đã có nhiều biện pháp thúc đẩy nguồn nhân lực có tay nghề. Năm học 2017- 2018 là năm thứ 2 tỉnh Quảng Nam thực hiện chủ trương phân luồng đào tạo đối với học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở; phấn đấu đến năm 2020 có 20% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở được học nghề. Đây là chủ trương đúng nhằm hướng nghiệp cho học sinh, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề như hiện nay. Ông Lương Văn Vui - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam thông tin, nhà trường có 671 SV sắp tốt nghiệp với các ngành nghề: kinh tế, nông nghiệp, luật, công nghệ kỹ thuật... " Nhiều năm qua, nhà trường đã tạo dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sinh viên. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giúp kết nối thêm 64 doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dụng, nên cơ hội việc làm cho SV không thiếu. Điều quan trọng là các em học sinh phải xác định được hướng đi cho mình. Học nghề vẫn là con đường tốt giúp các em nhanh chóng tiếp cận việc làm chứ không phải chỉ có con đường vào đại học".

Ông Trần Đình Tùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, nhiều khu công nghiệp thiếu lao động có tay nghề; hướng các em vào học nghề cũng góp phần giải quyết tình trạng thừa thầy - thiếu thợ như hiện nay. "Tình trạng thầy - thợ đang có độ chênh lệch cho nên việc phân luồng là cần thiết. Qua đó, sàng lọc những em có điều kiện học tốt thì tiếp tục tạo điều kiện cho các em học tập nâng cao, còn những em học tập không tốt, kết quả không cao thì chúng ta cần hướng dẫn các em sớm tìm việc làm. Để làm được việc đó cũng phải tính đến công việc đào tạo, dạy nghề. Đây cũng là hướng đi lâu dài của tỉnh."

Đồng Dao

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_190846_quang-nam-giai-bai-toan-nhan-luc-lao-dong.aspx