Quảng Nam: Đường ngang kết nối cao tốc chậm tiến độ vì 1 hộ dân bị đo vẽ sai

Triển khai từ đầu năm 2017, tuyến đường ngang kết nối từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua quốc lộ 1A đến đường ven biển đã cơ bản hình thành, tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng của 1 hộ dân khiến cả tuyến phải dừng thi công chỉ vì đo vẽ, xác định diện tích có nhiều sai sót.

Đường kết nối từ cao tốc về Quốc lộ 1A gần hoàn thành nhưng chưa thể thông tuyến.

Hồ sơ đo đạc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) của hộ bà Bùi Thị Nuôi, 95 tuổi, trú tại tổ 14, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho thấy, mảnh đất của gia đình bà sinh sống ổn định từ trước giải phóng.

Năm 2014, thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 1A, UBND huyện Thăng Bình có Quyết định số 927 ngày 23/5/2014 về việc thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A, lô đất được xác định rõ là đất ở đô thị của bà Bùi Thị Nuôi có tổng diện tích là 1.976m2, diện tích thu hồi là 274,8m2.

Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhiều lần bà Bùi Thị Nuôi đề nghị cơ quan chức năng cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định, nhưng không rõ vì lý do gì, gia đình bà vẫn chưa được cấp sổ đỏ mới.

Đến năm 2017, thực hiện dự án mở đường nối từ quốc lộ 1A đến đường cứu hộ ven biển, UBND huyện Thăng Bình tiếp tục có Quyết định số 783 ngày 24/8/2017 do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hương ký, thu hồi 1.030,3m2 đất của hộ bà Bùi Thị Nuôi trong tổng diện tích đất hiện trạng 1.751,5m2. Diện tích còn lại được cấp sổ đỏ là 605,2m2.

Thấy diện tích còn lại của lô đất lệch so với số liệu do chính quyền cung cấp, vì nếu trừ đi diện tích thu hồi lần thứ nhất và lần thứ hai (274,8 + 1030,3m2) thì diện tích đất còn lại phải là 673m2, không phải là 605,2m2, gia đình bà Nuôi thắc mắc thì được cơ quan chức năng huyện Thăng Bình trả lời: Trong tổng số đất hiện trạng, có diện tích đất còn lại của dự án Quốc lộ 1A đã thu hồi nhưng chưa giải tỏa là 115,8m2.

Tuy nhiên, UBND huyện Thăng Bình không đưa ra được cơ sở, tài liệu xác đáng và tin cậy để chứng minh số đất diện tích đất đã thu hồi nhưng chưa giải tỏa trong đợt 1 là 115,8m2.

Vì thấy việc giải thích không rõ ràng, số liệu chồng chéo, không khớp nhau, nên gia đình bà Nuôi không đồng ý nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.

Bà Bùi Thị Nuôi khẳng định: "Tôi dù đã cao tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, tôi cũng không đòi hỏi gì nhiều, đất của gia đình tôi sử dụng từ trước giải phóng tới nay vẫn nguyên một thửa, nó chẳng thể to ra hay nhỏ lại. Vậy mà nay đo khác, mai đo khác. Tôi chỉ muốn cái nào của mình, nếu giải tỏa thì tính đúng, tính đủ. Con số cũng do cơ quan Nhà nước tự đo đạc, đối chiếu mà cứ nay khác mai khác thì dân sao hiểu được".

Ngoài ra, việc UBND huyện Thăng Bình áp dụng quy định một thửa đất có 2 loại giá đền bù cũng là chưa thỏa đáng, vì lâu nay đây là đất cùng một thửa, một chủ sử dụng, việc đóng thuế hàng năm cũng chỉ tính một mức giá. Vì sao khi đền bù lại tính 2 mức.

Đường từ biển lên chỉ còn vướng giải tỏa thửa đất bà Nuôi gần 1 năm nay.

Lý giải về vấn đề trên, ông Cao Ngọc Sang - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Thăng Bình cho biết, việc đo đạc là của đơn vị được tỉnh thuê, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt bản đồ phải chịu trách nhiệm về việc này, bản thân ông chỉ ký xác nhận theo hồ sơ có sẵn. Việc sai sót (nếu có) thuộc về đơn vị đo vẽ và Sở.

Đồng thời, ông Sang cũng cho rằng, việc đo vẽ hiện trạng thửa đất mỗi lần cho ra một số liệu khác nhau là chuyện... "bình thường", có thể lớn hơn, có thể nhỏ hơn. Tuy nhiên, vị này không trả lời được cẩu hỏi: Nếu cùng một thửa đất, nó không thể tự nở ra hay teo lại sau mỗi lần đo vẽ, vậy sao lại cho ra số liệu khác nhau?

“Ở đây tôi không có thẩm quyền phê duyệt bản đồ này, đất ở đây có thể biến động tăng hoặc biến động giảm, có thể gia đình họ mua bán hay chuyển nhượng. Và đơn vị đo đạc, ai có thẩm quyền ký phê duyệt bản đồ này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn việc này”, ông Sang trả lời cho câu hỏi vì sao 2 bản đồ mà ông xác nhận cách nhau 3 năm trên cùng một thửa đất lại khác nhau.

Tuy nhiên, cuối cùng ông Sang cũng thừa nhận: “Cơ quan mình vẫn có sai sót, có một phần trách nhiệm trong việc này, nhưng do toàn tuyến quá nhiều nên dẫn đến việc sai sót đó”. Sau này khi cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra toàn bộ công trình, sẽ có công khai sai sót ở khâu nào và vì sao để xảy ra sai sót, cơ quan nào chịu trách nhiệm vấn đề này, cá nhân, tập thể nào làm sai sẽ bị kiểm điểm và xử lý.

Về vụ việc này, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất chi nhánh Thăng Bình Nguyễn Đình Chi cũng cho rằng, quá trình đo đạc, lập hồ sơ đất đai qua nhiều đợt đã có những sai sót nhất định.

Hiện nay, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đang yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, thẩm tra lại, nếu có dấu hiệu vi phạm trong việc giả mạo hồ sơ, giấy tờ thì chuyển cơ quan điều tra làm rõ. Về phía cơ quan ông Chi chỉ tính giá trị đền bù trên cơ sở hồ sơ được phê duyệt, nên không rõ việc sai sót xảy ra ở khâu nào.

Sáng 17/9/2018, cán bộ địa chính huyện và thị trấn Hà Lam đã đến đo đạc lại thửa đất và yêu cầu gia đình bà Bùi Thị Nuôi ký vào biên bản đo đạc, mà không giải thích rõ là vì sao phải đo lại và để làm gì, diện tích đo bao gồm những phần nào của thửa đất. Vì thế bà Nuôi và những người trong gia đình đã không đồng ý ký biên bản xác nhận việc đo vẽ đó.
Trong khi đó, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đi vào vận hành, nhưng đường ngang kết nối với Quốc lộ 1A và đường cứu hộ ven biển vẫn phải dừng thi công, vừa tốn kém, lãng phí tiền của, ngân sách nhà nước, vừa tốn công sức của cán bộ, người dân, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng của công trình trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Thành Lâm

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quang-nam-duong-ngang-ket-noi-cao-toc-cham-tien-do-vi-do-ve-sai-325550.html