Quảng Nam đối mặt hạn hán, nhiễm mặn

Thời gian qua, để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt năm 2020, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tăng cường các biện pháp chống hạn hán, nhiễm mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Mực nước hồ Phước Hà đang thấp dưới 3 mét so với bình thường

Mực nước hồ Phước Hà đang thấp dưới 3 mét so với bình thường

Nguy cơ thiệt hại lớn

Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết, mấy ngày qua do phao An Trạch bị hỏng cửa mở nên hệ thống thủy lợi trên sông Vu Gia phải thực hiện lệnh 5 ngày vận hành, 3 ngày dừng. Cuối tháng 2, triều cường đang ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống sông Thu Bồn, mặn xâm nhập rất cao. Vì vậy, hiện các trạm bơm trên sông Vĩnh Điện phải dừng vận hành, vì nếu không nước mặn sẽ vào sông Vĩnh Điện.

Ngoài ra, theo số liệu quan trắc, độ mặn trên sông Tranh có giảm nhưng không nhiều. Theo dự báo, những ngày sắp tới có bán nhật triều, tức là không có chân triều thấp ở 2 đỉnh, nên ngành thủy lợi tỉnh mong muốn thủy điện duy trì cơ bản để giữ mức nước của Trạm thủy văn Giao Thủy xấp xỉ 0.5 trở lên để có thể thoát khỏi đợt mặn này.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Hải, từ nay đến cuối năm còn rất nhiều đợt xâm nhập mặn, do đó bà con nông dân phải sử dụng nước thật hiệu quả để phục vụ sản xuất vụ hè thu và đông xuân.

Nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất trong sản xuất, ông Hải cho biết, 3 hồ chứa nước ở huyện Thăng Bình sẽ được cân đối lại, có thể phải cắt diện tích tưới, giảm bớt diện tích phục vụ ở cuối kênh.

Không chỉ Thăng Bình mà các huyện Quế Sơn, Núi Thành… hiện mực nước hồ nào cũng thấp hơn trung bình nhiều năm, thậm chí có hồ thấp hơn 2 - 3m, dung tích còn lại 50%, cả những hồ dự trữ cho vụ đông xuân cũng chỉ còn khoảng 60%, vì vậy chắc chắn khó khăn thực sự.

Tăng cường các biện pháp chống hạn, mặn

Vì thiếu nước và nhiễm mặn, hồ Cao Ngạn phải cắt giảm gần 50 ha diện tích tưới

Ông Nguyễn Thanh Thảo, Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình nhận xét, đối với 3 hồ chứa trên địa bàn huyện thì hồ Phước Hà và hồ Cao Ngạn mực nước đang thấp hơn 3m so với bình thường (thấp nhất trong 20 năm trở lại đây), còn đối với hồ Đông Tiễn thấp nhất từ khi đưa vào vận hành.

“Theo tính toán, mức tưới như mọi năm thì sẽ cắt giảm diện tích phục vụ hơn 150/450ha đối với hồ Đông Tiễn, cắt gần 50ha với hồ Cao Ngạn và hồ Phước Hà là trên 200ha. Trước tình hình này, chúng tôi đang triển khai biện pháp tưới luân phiên khô - ướt để tiết kiệm nguồn nước. Tuy nhiên, với hồ Đông Tiễn chắc chắn sẽ gặp khó vì nguồn nước rất thấp so với trung bình mọi năm nên khuyến nghị nông dân chuyển đổi qua giống cây trồng khác, ít dùng nước hơn”, ông Thảo cho hay.

Dù thiếu nước nhưng các trạm bơm phải vận hành liên tục để đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân trong vụ đông xuân

Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống hạn hán, nhiễm mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các sở - ban - ngành liên quan và chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nắm rõ tình hình thủy lợi, nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước hết sức tiết kiệm, có hiệu quả; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để tập trung vào công tác phòng chống hạn và nhiễm mặn trong năm 2020.

Sở NN-PT-NT theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chỉ đạo vận hành tích nước ở các hồ chứa phù hợp, có kế hoạch phân phối nước hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh; đảm bảo an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước. Đặc biệt, các địa phương, đơn vị theo dõi lịch thời vụ và cơ cấu sử dụng các bộ giống ngắn ngày, trung ngày trong sản xuất nông nghiệp năm 2020; vận động nông dân thực hiện chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn để hạn chế sử dụng nước tưới hiệu quả; đặc biệt tại các đồng ruộng thường xuyên thiếu nước tưới. Xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và nhiễm mặn ngay từ đầu vụ đông xuân 2019-2020 để triển khai kế hoạch điều tiết nước phù hợp.

Tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các trạm bơm không bơm nước có nồng độ mặn vượt mức cho phép vào đồng ruộng

“Đơn vị quản lý, vận hành trạm bơm lấy nước trên các sông phải thường xuyên quan trắc độ mặn để thực hiện vận hành các trạm bơm đảm bảo, hợp lý; tuyệt đối không bơm nước có nồng độ mặn vượt mức cho phép vào đồng ruộng. Đối với trạm bơm lấy nước trên các sông thường xuyên bị nhiễm mặn như Thu Bồn, Vĩnh Điện... chủ động triển khai các giải pháp ngăn không cho mặn xâm nhập vào bể hút trạm bơm điện, tuyệt đối không vận hành bơm tưới cho cây trồng khi nồng độ mặn hơn 0,8‰...”, ông Lê Trí Thanh chỉ đạo.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, từ tháng 1 đến tháng 3-2020, lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm; dòng chảy trên các sông biến đổi mạnh, theo hướng hạ thấp dần. Mực nước trên sông Vu Gia và Thu Bồn có khả năng thiếu hụt 30% - 50% so với trung bình nhiều năm… Tại 73 hồ chứa thủy lợi trong toàn tỉnh Quảng Nam, hiện tổng lượng nước thiếu so với quy trình khoảng 74 triệu m3. Đối với các hồ thủy điện, tổng lượng nước thiếu so với dung tích hữu ích lên đến 653 triệu m3. Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước đang hiện rõ đối với ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quang-nam-doi-mat-han-han-nhiem-man-648187.html