Quảng Nam: Công trình Nhà nước sử dụng đất trái phép san lấp mố cầu

Đại diện ban 6 cho biết, sẽ nắm lại thông tin. Ngành tài nguyên môi trường địa phương đang hối hả vào cuộc rà soát lại trữ lượng đất. Nghiêm trọng hơn, việc sử dụng khoáng sản trái phép sẽ không được quyết toán dự án.

Dự án xây dựng cầu Km32+480, cầu Sông Vàng, cầu Sông Kôn và cầu Dốc Rùa thuộc QL14G tỉnh Quảng Nam. Đây là dự án do ban Quản lý dự án 6 (thuộc bộ GTVT) quản lý; đơn vị thi công là công ty 484 (152 Trường Chinh, tỉnh Nghệ An).

4 cây cầu này nằm trong số tổng cộng hơn 20 cây cầu khác thuộc Dự án Tín dụng ngành GTVT cải tạo mạng lưới đường Quốc gia lần thứ 2. Vốn vay dự án là ODA (JICA) và vốn đối ứng trong nước...

Khác với những cây cầu khác, 4 cây cầu ở huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với địa phương.

Sự hiện diện của cầu Km32+480, cầu Sông Vàng, cầu Sông Kôn và cầu Dốc Rùa trong tương lai gần sẽ xóa đi cảnh người dân ngụp lặn, bì bõm với các đập tràn, cảnh chia cắt mỗi độ lũ lụt về.

4 cây cầu mang ý nghĩa quan trọng đối với miền núi huyện Đông Giang. Tuy nhiên, nguồn gốc vật liệu san lấp làm mố cầu đang có khuất tất.

4 cây cầu mang ý nghĩa quan trọng đối với miền núi huyện Đông Giang. Tuy nhiên, nguồn gốc vật liệu san lấp làm mố cầu đang có khuất tất.

Do đó, chất lượng, tiến độ dự án luôn được người dân quan tâm.

Thế nhưng trái với kỳ vọng ấy, quá trình thi công 4 cây cầu đang gây ra nhiều phiền lụy cho người dân, ngành môi trường huyện Đông Giang. Lý do đến từ sự cẩu thả của đơn vị thi công, áp lực tiến độ hay sự lơ là của ban Quản lý dự án 6?!

Theo người dân bản địa, trong quá trình thi công dự án, công ty 484 đã khai thác vô tội vạ đất đồi, đất quanh các khu vực gần chân cầu, đất của người dân mang về san lấp mố cầu.

"Họ đào đất ở các vùng gần vị trí làm cầu. Xe tải lớn chạy kéo đất đồi vương vãi khắp nơi...", một người dân nói.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng cục Quản lý Đường bộ 3 (tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đơn vị không quản lý quá trình thi công dự án 4 cây cầu trên QL14B này.

Việc quản lý và chịu trách nhiệm do ban Quản lý dự án 6 và nhà thầu thi công.

Cũng theo tiết lộ của ông Bình, thời gian qua, đơn vị cũng vừa xử phạt nhà thầu thi công công ty 484 vì thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không thực hiện đúng các quy định trong giấy phép.

Lãnh đạo chi cục Đường bộ 3.1 (cục Đường bộ 3) thông tin thêm, chi cục cũng nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản công ty 484 này do vương vãi đất đai ra tuyến QL14B cũng như không thực hiện đúng quy định theo biên bản thỏa thuận.

Ở góc độ địa phương, một lãnh đạo UBND huyện Đông Giang nói rằng, trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm (nếu có) trong dự án thuộc về ban Quản lý dự án 6, nhà thầu thi công công ty 484. "Dự án của anh thì anh phải quản lý", vị này nói.

Ông Hồ Hiệp, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Giang thông tin với PV, ngành TN&MT địa phương có nhận được phản ánh về việc dự án sử dụng nguồn đất trái phép.

"Huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và cũng đã làm việc với dự án, công ty 484. Công ty này xin về Nghệ An để họp. Chúng tôi hẹn sang tuần sẽ làm việc với họ. Chúng tôi sẽ rà soát lại khối lượng họ lấy đất ở địa phương xem bao nhiêu chứ trên địa bàn thì không có mỏ đất nào", ông Hiệp thông tin.

Trong khi đó, ông Phan Hà, Trưởng phòng Khoáng sản (sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) khẳng định với PV, bất kể dự án nào muốn sử dụng tài nguyên đều phải xin phép cơ quan chức năng. Từ khối lượng mà dự án cần, ngành tài nguyên sẽ tính toán cấp phép, tính thuế...

"Đừng nói là dự án Nhà nước mà bất kể dự án nào đều phải xin phép khi khai thác tài nguyên. Việc sử dụng nguồn đất trái phép là vi phạm, thất thoát tài nguyên, thất thoát thuế. Đặc biệt, chúng tôi sẽ kiến nghị không được quyết toán dự án", ông Hà nói.

Công trình xây dựng đòi hỏi nguồn gốc vật liệu minh bạch, đạt chuẩn thí nghiệm... Việc dùng đất trái phép có thể khiến dự án không thể quyết toán.

Với vai trò, vị thế và ý nghĩa như trên, trách nhiệm của ban Quản lý dự án 6 là vô cùng lớn.

Các cơ quan quản lý từ cục Quản lý Đường bộ 3, UBND huyện Đông Giang... cũng đều khẳng định, trách nhiệm quản lý dự án thuộc về ban Quản lý dự án 6. Vậy tại sao quá trình thi công dự án, nhiều sai phạm vẫn diễn ra?

Trao đổi với PV, một cán bộ quản lý dự án ban Quản lý dự án 6 cho biết, cùng với 4 cây cầu trên ở Quảng Nam còn có 2 cầu khác là Cẩm Kim, Bình Đào cũng thuộc chung nguồn vốn. Tất cả do ban Quản lý dự án 6 quản lý và công ty 484 thi công.

Vị này cũng thừa nhận, việc xây dựng các cây cầu này đến từ phần vốn còn thừa sau khi thực hiện một dự án trước đó của JICA. Do đó, áp lực tiến độ là rất lớn.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc đơn vị thi công sử dụng nguồn đất trái phép vào dự án, vị này cho biết, sẽ nắm lại thông tin và báo cáo lãnh đạo ban Quản lý dự án 6. Từ đó, sẽ có phản hồi lại với báo chí.

Qua điện thoại, PV đặt lịch hẹn làm việc với công ty 484. Nội dung buổi làm việc này sẽ chuyển đến bạn đọc ở bài viết tiếp.

Người Đưa Tin Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin!

Lê Nhâm Thân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quang-nam-cong-trinh-nha-nuoc-su-dung-dat-trai-phep-san-lap-mo-cau-a477259.html