Quảng Nam: Công nghiệp là thế mạnh vực dậy và phát triển kinh tế

Quảng Nam ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong Vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung. Vượt qua nhiều khó khăn, kinh tế Quảng Nam trong giai đoạn 5 năm 2015-2020 tiếp tục có nhiều kết quả khả quan, công nghiệp được xác định là nguyên nhân vực dậy nền kinh tế Quảng Nam.

Đến năm 2020 quy mô kinh tế đạt gần 100 nghìn tỷ đồng

Trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế Quảng Nam duy trì được mức tăng trưởng khá, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được nâng lên. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 6,85%/năm. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng và dịch chuyển theo hướng tích cực, dự ước đến năm 2020 quy mô kinh tế tỉnh Quảng Nam đạt mức gần 100 nghìn tỷ đồng ; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 63,3 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng.

Ông Hồ Quang Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, cơ cấu lại kinh tế và đầu tư công theo hướng tập trung cho các nhiệm vụ đột phá, ưu tiên cho vùng kinh tế trọng điểm, vùng miền núi còn nhiều khó khăn. Mở rộng xã hội hóa, giảm dần tỷ trọng đầu tư của Nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch dần sang khu vực dịch vụ, cơ cấu lao động chuyển dịch khá tích cực. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP giảm từ 14,7% năm 2015 còn 11,49%, các ngành phi nông nghiệp tăng từ 85,3% lên 88,51% vào năm 2019.

Thành phố Tam Kỳ- Quảng Nam

Thành phố Tam Kỳ- Quảng Nam

Những con số ấn tượng về kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 05 năm giai đoạn 2016-2020 là 104.789 tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên địa bàn tỉnh là 82.260 tỷ đồng, tốc độ tăng thu nội địa bình quân trong giai đoạn này là 10,16%/năm.

Theo đó, với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành. Giai đoạn năm 2016-2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Quảng Nam luôn ở vị trí dưới 10 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. PCI đã có sự cải thiện tích cực khi tăng cả điểm số và thứ hạng, năm 2019 PCI Quảng Nam đạt 69,4 điểm, đứng thứ 6 cả nước (thuộc nhóm tốt), tăng về điểm số lẫn thứ hạng so với năm 2018 (đạt 65,8 điểm, đứng thứ 7), xếp vị thứ 2 khu vực Duyên hải miền Trung (sau Đà Nẵng).

Công nghiệp- lực đẩy cho phát triển

Theo ông Hồ Quang Bửu, ngành công nghiệp giữ vai trò quan trọng, là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, ngành công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định cuộc sống, đóng góp an sinh xã hội.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, thiết bị điện tử, dệt may, da giày… tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các hiệp hội ngành nghề để hợp tác, hỗ trợ phát triển sản xuất.

Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành công nghiệp tăng lên nhanh chóng, tính đến nay có gần 21,3 nghìn cơ sở, tăng gần 2,4 nghìn cơ sở so với năm 2015 (CN chiếm 82%); trong đó có gần 1,1 nghìn doanh nghiệp CN (chiếm 5,1%; +343 DN). Nhiều doanh nghiệp công nghiệp đầu tư mới, đầu tư mở rộng chính thức đi vào hoạt động tạo năng lực, sản phẩm mới có tác động lan tỏa...

Cảng nước sâu Chu Lai- Quảng Nam với nhiều lợi thế cho việc phát triển ngành công nghiệp và các ngành phụ trợ

Những sản phẩm công nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh, sức lan tỏa và đóng góp lớn cho nền kinh tế của tỉnh, luôn dẫn đầu so với 5 tỉnh trong khu vực có sản lượng tăng khá trong 5 năm (2016-2020) như: quần áo may sẵn 856 triệu cái; giày dép các loại đạt gần 151 triệu đôi; sản xuất và lắp ráp ô tô 445 nghìn chiếc; kính nổi 1,5 triệu tấn; điện thương phẩm 9,2 tỷ Kwh...

Ngoài ra việc tập trung phát triển hạ tầng các Khu, cụm CN tiếp tục được quan tâm đầu tư, ngày dần được hoàn thiện, góp phần tích tực trong việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Đáng chú ý có Khu kinh tế mở Chu Lai gồm 115 dự án với vốn đăng ký gần 44 nghìn tỷ đồng với hơn 25 nghìn chuyên gia, lao động đang làm việc; KCN Điện Nam – Điện Ngọc (75 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 4 nghìn tỷ đồng và gần 561 triệu USD).

Nói về hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho hay, Quảng Nam ngay từ những năm đầu 2000 đã hình thành khu Công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc là một trong những khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam và tiếp đến là Khu kinh tế mở Chu Lai cho thấy hướng xác định phát triển công nghiệp là trọng tâm là sự lựa chọn đúng đắn của chính quyền địa phương nơi đây. Đến nay đã cho thấy Quảng Nam đang hình thành dần rõ nét là trung tâm công nghiệp của miền Trung.

Mặc dù gặp không ít khó khăn, tuy nhiên với những chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh nên vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu sản xuất có những chuyển đổi theo hướng gắn với thị trường tiêu thụ, hàm lượng giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm có chuyển biến tích cực, đã dịch chuyển hướng trọng tâm các ngành nghề công nghiệp phù hợp với lợi thế. Hoàn thành những công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, tạo sức lan tỏa ra toàn xã hội...

Những chỉ tiêu tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025 là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm từ 7,5 - 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 từ 110 - 113 triệu đồng.

“Đảng bộ tỉnh Quảng Nam luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương; năng động, tích cực phối hợp với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành có lợi thế”- ông Bửu chia sẻ

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-nam-cong-nghiep-la-the-manh-vuc-day-va-phat-trien-kinh-te-150394.html