Quảng Nam cách ly tập trung và giám sát y tế có thu phí người đến từ Hà Nội và TP.HCM

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ người ngoài tỉnh đến cư trú tại tỉnh Quảng Nam. Trong đó, xác định Hà Nội và TP.HCM là hai vùng dịch trọng điểm hiện nay, những người đến từ hai địa phương này phải thực hiện cách ly tập trung và giám sát y tế có thu phí…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký công văn về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 để phòng chống dịch Covid-19).

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành Công an, Y tế, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực, khẩn trương thực hiện khai báo y tế toàn dân; quản lý chặt chẽ người ngoài tỉnh đến cư trú tại tỉnh Quảng Nam.

Trong đó, xác định Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai vùng dịch trọng điểm hiện nay, những người đến từ hai địa phương này phải thực hiện cách ly tập trung và giám sát y tế có thu phí (kể cả người Quảng Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây). Những địa phương còn lại yêu cầu cách ly tại nơi cư trú theo đúng qui định. Tùy diễn biến tình hình dịch bệnh mà UBND tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh nội dung này cho phù hợp.

Quảng Nam đã lập 8 chốt kiểm soát tại các tuyến đường bộ để phòng dịch Covid-19.

Quảng Nam đã lập 8 chốt kiểm soát tại các tuyến đường bộ để phòng dịch Covid-19.

Chủ tịch UBDN tỉnh Quảng Nam yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ ngày 1/4. Thực hiện nâng mức ứng phó trên địa bàn tỉnh lên cấp độ 3 (tăng 1 cấp) theo qui định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam (trừ hoạt động điều trị).

Các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường thi công, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không bị tạm dừng, vẫn tiếp tục hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang khi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của Bộ Y tế, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Giám đốc doanh nghiệp, Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung trên, trường hợp không đảm bảo phải quyết định tạm dừng hoạt động và thực hiện các chế độ với người lao động theo đúng qui định pháp luật hiện hành.

Tiếp tục duy trì hoạt động các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại nhưng phải quản lý chặt chẽ và ưu tiên bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.

Đối với các chợ, đề nghị cơ quan, đơn vị chủ quản nghiên cứu phương án sử dụng thêm mặt bằng tại vị trí phù hợp để làm chợ tạm, điều phối một số mặt hàng qua giao dịch tại khu vực này, giãn mật độ buôn bán tại chợ chính; đồng thời đảm bảo dung dịch sát khuẩn để mọi người đến chợ phải sát khuẩn (riêng các tiểu thương trực tiếp bán hàng tại chợ phải tự sát khuẩn 60 phút/lần).

Yêu cầu mọi người đến chợ phải đeo khẩu trang, không đeo không cho vào, không bán hàng và giao Ban quản lý chợ phối hợp các cơ quan chức năng xử phạt theo qui định. Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, số lượng người vào mua sắm không dưới 10m2/người tại cùng thời điểm và bắt buộc phải khử khuẩn, đeo khẩu trang.

Sở Công Thương làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải thực phẩm để tổ chức định kỳ vận chuyển hàng hóa, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết lên tổ chức bán lưu động tại các huyện miền núi, không để tình trạng khan hiếm, tăng giá bất thường xảy ra.

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có phương án bố trí, sắp xếp công việc cho công chức, viên chức hợp lý, hạn chế đến cơ quan; chủ yếu sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, trực phòng, chống dịch, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, xử lý công việc liên quan trực tiếp đến dịch bệnh Covid-19 và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Công chức, viên chức làm việc tại nhà phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ công việc, không đi ra ngoài trong giờ làm việc của cơ quan nhà nước. Tăng cường tổ chức họp trực tuyến trừ các cuộc họp kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch tại hiện trường hoặc các cuộc họp quan trọng, khẩn cấp.

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị mình bị lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh.

Sở GTVT khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách công cộng và hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh;

Ngoài các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do UBND tỉnh thành lập; tùy vào tình hình thực tế của địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định thành lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trực 24/24 để kiểm tra, kiểm soát thực hiện cách ly toàn bộ xã hội theo đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa người ra đường sau 22h00; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các qui định có hiệu lực của các cấp có thẩm quyền để xử phạt nghiêm minh, bao gồm cả xử lý hình sự.

Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tạm thời đóng cửa Cửa khẩu chính Nam Giang và Cửa khẩu phụ Tây Giang từ 00 giờ ngày 01/4/2020; kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; bắt buộc cách ly tập trung đủ 14 ngày đối với tất cả người nhập cảnh từ Lào bằng đường chính thức và không chính thức…

Hương An

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/quang-nam-cach-ly-tap-trung-va-giam-sat-y-te-co-thu-phi-nguoi-den-tu-ha-noi-va-tphcm-20200401174830625.htm