'Quàng công' của người Thái

Trong chuyến công tác lên vùng Tây Bắc, chúng tôi có dịp đến thăm ông Đào Quang Tố ở bản Đoàn Kết, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La).

Ông là thầy giáo đã gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây suốt hơn 50 năm qua. Tuy tuổi đã ngoài 70 nhưng ông Tố vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và điều đặc biệt làm chúng tôi ấn tượng sâu sắc chính là những di sản văn hóa dân tộc Thái mà ông đã sưu tầm, lưu giữ và phát huy trong suốt quá trình công tác của mình.

 Ông Đào Quang Tố miệt mài bên những công trình nghiên cứu về dân tộc Thái ở Chiềng Hặc, Yên Châu (Sơn La).

Ông Đào Quang Tố miệt mài bên những công trình nghiên cứu về dân tộc Thái ở Chiềng Hặc, Yên Châu (Sơn La).

Trong thời gian sinh sống và công tác tại Sơn La, ông Đào Quang Tố đã sưu tầm và lưu giữ được nhiều di sản văn hóa cổ của đồng bào Thái ở Chiềng Hặc, Yên Châu. Năm 2017, ông đã viết cuốn sách “Một vài lễ tục trong vòng đời của người Thái Yên Châu-Sơn La”, được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La thẩm định và xuất bản. Có thể nói, đây là một công trình nghiên cứu về những lễ tục, tập quán của dân tộc Thái Đen Yên Châu. Ông Đào Quang Tố chia sẻ: “Người Thái có một nền văn hóa lâu đời và phong phú như các lễ hội, các tục lệ cưới hỏi, phương pháp dạy con, dạy cháu của ông bà ngày xưa, cách thức ứng xử… Tôi không phải là người Thái nhưng tôi tiếc cho những di sản văn hóa Thái trước nguy cơ bị mai một dần nên cất công sưu tầm và lưu giữ cho con cháu của họ”.

Một trong những công trình nghiên cứu được ông Đào Quang Tố sưu tầm và phục dựng lại đó là Lễ hội cầu mưa “xến xó phốn” của đồng bào Thái Đen, được tổ chức thành công năm 2000 ở bản Nà Ngà, xã Chiềng Hặc. Với những tình cảm và công lao đóng góp của ông Tố đối với đồng bào dân tộc Thái ở xã Chiềng Hặc, ông đã được người dân nơi đây đặt cho một cái tên là “Quàng công”. Quàng là họ của người Thái mà các thế hệ cha ông đã mang bao đời nay, còn công tức là công ơn, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn đối với ông Đào Quang Tố của bà con dân bản mà không phải ai cũng được đặt tên như vậy.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Mai, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc cho biết: "Ông Đào Quang Tố là một người say mê tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là dân tộc Thái Đen ở Yên Châu. Những công trình nghiên cứu của ông có ý nghĩa to lớn đối với việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa phi vật thể của người Thái. Lễ hội cầu mưa của dân tộc Thái Đen đã được Viện Văn hóa Trung ương và Hội Văn hóa dân gian nghiệm thu. Năm 2018, bộ chữ Thái cổ Yên Châu do ông sưu tầm, biên soạn đã được Phòng Văn hóa huyện Yên Châu công nhận”.

Với những công trình nghiên cứu và lòng say mê, nhiệt huyết với các di sản văn hóa dân tộc Thái của ông Đào Quang Tố, giờ đây, nhiều người đã tìm đến ông, coi ông như một "pho từ điển sống" về người Thái. Ông đã có nhiều công lao trong công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của đồng bào Tây Bắc nói chung, dân tộc Thái ở Chiềng Hặc, Yên Châu nói riêng.

Bài và ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/quang-cong-cua-nguoi-thai-568395